Hoạt động đòi nợ thuê của các băng nhóm giang hồ vẫn là một vấn nạn nhức nhối. Trong khi đó, pháp luật hiện hành còn nhiều kẽ hở nên việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các băng nhóm giang hồ còn khá nhẹ hoặc khó xử lý triệt để nên chúng ngày càng tỏ ra xem thường pháp luật và manh động hơn...

Táo tợn và bất chấp

Khoảng tháng 10-2017, ông Nguyễn Xuân Thường gặp Trần Thị Hoài Thu nhờ tìm người đòi nợ thuê. Bà Thu giới thiệu ông Thường với Mai Xuân Thanh. Sau khi thỏa thuận, ông Thường ký hợp đồng ủy quyền cho Mai Xuân Thanh đòi số nợ 1,65 tỷ đồng mà ông Đào Xuân Trung thiếu.

Nếu thu hồi được nợ, Thanh sẽ hưởng 50%. Ông Thường cung cấp hình ảnh, địa chỉ nhà của ông Trung cho Thanh. Sau đó Thanh chỉ đạo đàn em Mai Ngọc Lâm, Mai Ngọc Tùng, Nguyễn Lê Anh Tuấn và Nguyễn Quang Trưởng theo dõi để bắt ông Trung.

Khoảng 14h ngày 8-11-2017, ông Trung điều khiển xe gắn máy từ nhà đến công ty đồ gỗ An Cường nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) thì nhóm đối tượng trên bám theo. Nửa tiếng sau, khi ông Trung trên đường quay về đến trước số nhà 702/1A, Sư Vạn Hạnh, thì bị nhóm này chặn đầu xe, hô lớn “Đào Xuân Trung anh đã bị bắt”.

Cùng lúc đó, Trưởng cầm gậy 3 khúc đập vào đầu ông Trung. Tuấn và Lâm khóa tay ông Trung,  móc túi quần lấy 2 điện thoại di động rồi tắt nguồn. Sau đó chúng bắt ông Trung đưa lên xe gắn máy chở đến ngã tư An Sương, quận 12. Tại đây chúng bịt mắt rồi đưa ông Trung lên xe ô tô 4 chỗ BKS 51A-459.14 chở đến quán câu cá giải trí Bàu Năng Láng Trà tại ấp 10, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Mai Xuân Thanh đưa ra tờ giấy rồi buộc ông Trung ghi xác nhận nợ ông Thường tổng cộng là 3,3 tỷ đồng.

Ám ảnh giang hồ đòi nợ thuê-1
Hiện trường bị tạt sơn trong một vụ đòi nợ.

Ông Trung kêu trời vì đâu có nợ nhiều đến vậy, Thanh bảo đó là bao gồm cả lãi 10%/năm tính từ năm 2013 đến nay. Thanh vừa dứt lời, Nguyễn Lê Anh Tuấn móc bóp của ông Trung lấy hơn 14 triệu đồng, 1 chỉ vàng SJC và 1 thẻ ATM. “Bây giờ mày trả trước 1 tỷ đồng thì tao cho về còn không sẽ đưa mày sang Campuchia, khi đó phải trả hết một lần tao mới chịu” - Thanh lạnh lùng tuyên bố.

Ông Trung không đồng ý liền bị đấm vào mặt và dọa sẽ giết chết. Đồng thời, chúng buộc ông Trung đọc mật khẩu thẻ ATM và chúng đi rút được 21 triệu đồng. Đến 19h cùng ngày, chúng trói ông Trung lại rồi đánh đập đến ngất xỉu. 2 giờ sau, chúng tạt nước vào mặt để ông Trung tỉnh lại rồi tiếp tục đưa ông Trung sang Campuchia, giam lỏng tại phòng 201, nhà nghỉ Nhật Minh do Thanh và Trưởng canh giữ.

9h sáng ngày hôm sau, ngày 9-11-2017, Thanh tiếp tục đánh đập ông Trung rồi đưa điện thoại (mã vùng Campuchia) buộc ông Trung điện cho người thân báo đã bị bắt sang Campuchia, bị đánh gãy xương, chuẩn bị 1 tỷ đồng tiền chuộc, nếu không sẽ lấy gan, thận của ông Trung đem bán. Ông Trung điện thoại cho bạn gái là bà T.A.T. để nói theo sự ép buộc của Thanh.

Bà T. nói chỉ có được 300 triệu đồng sẽ đi vay mượn rồi liên hệ lại sau. 11h30 ngày 10-11, Thanh tiếp tục ép ông Trung điện thoại cho bà T. Bà T. bảo đã cố gắng hết sức nhưng chỉ mượn được thêm 230 triệu đồng. Thanh buộc ông Trung điện thoại cho người khác.

Ông Trung điện cho người em ruột và một số khách hàng nhưng cũng chỉ mượn được thêm 340 triệu đồng, nâng tổng số tiền là 870 triệu đồng. Thanh chấp nhận số tiền này và yêu cầu bà T. đi taxi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để đưa tiền. Tuy nhiên, sau đó Thanh liên tục thay đổi nhiều địa điểm và cuối cùng yêu cầu bà T. ghé Bệnh viện Xuyên Á nằm trên quốc lộ 22 thuộc địa bàn huyện Củ Chi.

“Bà dừng xe trước cổng bệnh viện rồi đi bộ sang cổng khu công nghiệp Tân Phú Trung sẽ có người nhận tiền” - Thanh lệnh. Bà T. làm theo và đưa hết số tiền cho một đàn em của Thanh là Nguyễn Lê Anh Tuấn. Thật ra thì từ lúc bà T. xuất phát đi giao tiền, Tuấn đã đi xe gắn máy âm thầm bám theo để xem động tĩnh, thấy an toàn nên chúng quyết định nhận tiền.

Sau đó, Thanh buộc ông Trung viết vào tờ giấy với nội dung: “Ngày 1-9-2017 tôi có mua vật liệu của ông Thường với số tiền 1 tỷ đồng. Ngày 10-11, tôi đã trả ông Thường 900 triệu đồng...”. Thanh cầm tờ giấy nợ rồi đưa ông Trung 1 triệu đồng và gọi xe ôm chở ông Trung về TP Hồ Chí Minh.

Sau khi chiếm đoạt 870 triệu đồng của ông Trung, Thanh điện báo cho ông Thường bảo chỉ mới đòi được 500 triệu đồng. Theo thỏa thuận từ đầu, Thanh giao lại cho ông Thường 250 triệu đồng. Còn lại 620 triệu đồng, Thanh lấy 100 triệu đồng, phần kia cho cho đồng bọn mỗi người khác nhau tùy theo “công sức” bỏ ra.

Về phía ông Trung, sau khi “từ địa ngục trở về” ông đã trình báo Cơ quan công an. Tháng 1-2018, Mai Xuân Thanh cùng đồng bọn sa lưới pháp luật.

Tại cơ quan điều tra, Thanh và đồng bọn còn khai ra một vụ đòi nợ thuê khác sau thời điểm bắt giữ ông Trung. Người thuê là bà Hoàng Thị Ngọc Giao, người nợ là bà Lưu Thị Mỹ Trang. Khoảng 12h ngày 3-12-2017, ông Hải, chồng bà Trang chở vợ đi ăn cơm đến đường Trần Hưng Đạo, quận 1, thì bị nhóm của Thanh chặn đầu xe, đánh phủ đầu rồi bắt giữ bà Trang đưa lên xe ô tô. Chúng bịt mắt bà Trang, xét người để kiếm tài sản nhưng không thu được gì.

Chúng cũng đưa bà Trang đến quán câu cá giải trí Bàu Năng Láng Chà rồi yêu cầu điện cho ông Hải chuẩn bị tiền chuộc, nếu không sẽ bán bà Trang sang Campuchia làm gái mại dâm. Ông Hải bảo không có tiền thì chúng chở bà Trang hướng sang Campuchia. Tuy nhiên, khi đến biên giới thấy có bộ đội biên phòng tuần tra nên chúng quay xe lại rồi thả bà Trang xuống ở địa phận huyện Củ Chi.

Cần triệt cho vay nặng lãi

Hoạt động đòi nợ thuê xuất phát từ tình trạng cho vay nặng lãi, vay mượn tiền của người khác rồi mất khả năng chi trả hoặc cố tình không trả hoặc bội tín trong hoạt động kinh doanh, mua bán. Có một thực tế rất đáng lo ngại là khi bị người khác quỵt nợ thì kẻ cho vay nặng lãi hay người cho vay, cho mượn bình thường có xu hướng thuê côn đồ để đòi nợ mà không nhờ sự can thiệp của cơ quan pháp luật?

Hầu hết các chủ nợ mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng họ không khởi kiện đòi nợ vì từ lúc tòa thụ lý đến xét xử phải mất hàng tháng trời, đó là chưa kể bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm... có khi quay tới quay lui mất hết dăm, bảy năm trời mà chưa chắc đã xong.

Đã vậy, đến lúc thi hành án, người bị kiện chẳng có tài sản (hoặc đã tẩu tán hết) để thi hành thì cũng bằng không. Rốt cuộc kẻ xấu thì sống ung dung ngoài vòng pháp luật, còn người cho vay, cho mượn thì sống trong khổ sở, tức tối. Từ đó họ có xu hướng tìm giang hồ để đòi nợ thuê.

Ám ảnh giang hồ đòi nợ thuê-2
Một băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê bị bắt giữ cùng tang vật.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, hành vi cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” phải thuộc một trong hai trường hợp là “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng, điều kiện nhưng cố tình không trả”.

Hoặc “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. Trong khi đó để chứng minh người vay mượn nợ bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là rất khó khăn nếu không muốn nói là gần như không thể chứng minh được.

Trung tá Nguyễn Hải Triều thuộc Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, người từng thụ lý nhiều vụ tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho biết mặc dù lánh mặt chủ nợ nhưng khi Cơ quan công an triệu tập thì người bị tố cáo vẫn đến và cho rằng sở dĩ mình rời khỏi địa phương là đi làm ăn để kiếm tiền trả nợ hoặc do sợ người cho vay siết nợ, hành hung chứ không có ý định bỏ trốn.

Còn điều kiện phải sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp thì chẳng con nợ nào lại dại dột khai mình đã sử dụng tài sản để đánh bạc, mua bán ma túy hay buôn lậu... cả.

Về yếu tố “có khả năng, điều kiện nhưng cố tình không trả” trong thực tiễn, hầu hết những kẻ có ý thức chiếm dụng thì cũng chẳng ai đứng tên nhà cửa, đất đai, xe cộ... Mà như vậy thì Cơ quan công an không thể khởi tố vụ án hình sự được, đành phải chuyển sang tòa án giải quyết”.

Lợi dụng kẽ hở này nên nhiều con nợ hoàn toàn có khả năng trả nợ nhưng đã cố tình chây ỳ, âm thầm tẩu tán tài sản (chuyển cho người thân đứng tên bất động sản hoặc mua vàng, USD để dành...) rồi tuyên bố mất khả năng chi trả, thậm chí thách thức chủ nợ đi thưa kiện mình.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tài, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, khi cho rằng, do việc xử lý hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định hiện nay rất thiếu khả thi vì nhiều kẽ hở nên chuyện người vay bội tín xảy ra nhiều. Trong khi đó việc khởi kiện đòi nợ rất tốn kém thời gian và công sức mà chưa chắc thi hành án được vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản. Từ đó, khi cần đòi nợ, nhiều người có xu hướng thuê mướn giang hồ để đòi nợ thuê và gây ra nhiều bất ổn cho xã hội...

Đừng để từ nạn nhân thành tội phạm

Có rất nhiều chủ nợ là nạn nhân của kẻ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng do thiếu kiềm chế thuê giang hồ đòi nợ thuê để rồi cuối cùng trở thành tội phạm như trường hợp của Lê Thị Thùy, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Trước khi bị bắt giữ, Trang là nạn nhân của kẻ lừa đảo Đặng Thanh Thiện (SN 1984, ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) với số tiền bị chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng.

Để lấy lại tiền, Trang thuê người bắt Thiện và bạn gái đưa đến một quán cà phê lề đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) và buộc Thiện gọi điện cho người thân mang tiền đến trả. Nhóm của Thùy đưa Thiện và bạn gái đến khách sạn Minh Tiến nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, để nhận tiền từ người nhà của Thiện thì bị bắt quả tang về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.

Một trong những vấn đề mấu chốt là phải sống và làm việc theo pháp luật, đừng dùng “luật rừng” như một cách tiếp tay cho hành vi phi pháp. Vì như thế vừa thiệt thân, vừa rơi vào vòng lao lý.

Còn theo luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, đối với chủ nợ, họ nhận thức rằng nếu con nợ không nói ngon ngọt hay đánh lừa mục đích vay thì họ không giao tài sản. Từ đó, họ bức xúc khi bị trả lời là quan hệ dân sự bởi với họ, hành vi này là gian dối, lừa đảo.

Bên cạnh đó, sau khi vay mượn mà con nợ lẩn tránh qua hình thức không nghe điện thoại, không chịu gặp mặt, không giữ liên lạc bằng bất cứ hình thức nào cũng như thoát khỏi sự quản lý của địa phương thì dù không rời khỏi địa phương cư trú vẫn cần xác định là “bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản”, dấu hiệu cơ bản của tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Còn nếu chỉ xem xét dấu hiệu bỏ trốn qua việc không thực hiện theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra thì sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm.

Về hành vi cho vay nặng lãi, khủng bố tinh thần, hủy hoại tài sản con nợ cũng vậy, việc xử phạt còn quá nhẹ tay nên không đủ sức răn đe. Như trường hợp của băng nhóm cho vay nặng lãi do Đinh Bá Tưởng (26 tuổi, quê quán Thái Bình) cầm đầu gây ra 7 vụ dùng đá, gạch ném vỡ cửa kính để uy hiếp đòi nợ trên địa bàn huyện Củ Chi. Thế nhưng, Tưởng và đồng bọn chỉ bị xử lý về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản” với mức phạt chỉ từ 12-18 tháng cải tạo không giam giữ.

Cho vay nặng lãi, hủy hoại hàng loạt tài sản như vậy mà bị phạt “nhẹ hều” nên chuyện xịt nước sơn, ném phân, ném mắm tôm... vào nhà con nợ thì việc xử lý chẳng đến đâu, cùng lắm là bị xử phạt hành chính về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, “ném chất bẩn vào nhà”... vì luật đã quy định thế!

Tất cả những khó khăn, vướng mắc trên chính là rào cản, làm khó cho cơ quan điều tra trong việc xử lý hoạt động đòi nợ thuê bất hợp pháp hiện nay ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo CAND