Tết Hàn thực là ngày lễ truyền thống của người Hoa, nhưng khi du nhập vào Việt Nam đã được đồng hóa với văn hóa Việt, mang đậm hồn Việt.

Một trong những nét đồng hóa đó là ăn bánh trôi, bánh chay vào ngày Hàn thực, thể hiện tục thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực và trọng phụ nữ, trọng âm tính trong văn hóa bản địa người Việt. 

Đồng thời cũng qua đó mang theo tâm nguyện về sự sinh nở thuận buồm xuôi gió của người xưa.


Việt Nam là nước gốc văn hóa nông nghiệp lúa nước phát triển từ chế độ mẫu hệ nguyên thủy nên trọng giống cái, trọng âm tính. 

Có rất nhiều dấu tích của việc trọng giống cái như ngón tay, ngón chân, chiếc đũa to nhất thì gọi là ngón cái, đũa cái. 

Đứng đầu trong đạo Mẫu của người Việt là các Mẫu. Người Việt thờ rất nhiều Mẫu, bà Chúa, tiên cô như Mẫu Liễu Hạnh, bà Chúa Kho, Cô Chín… 

Sở dĩ người Việt trọng âm tính, trọng giống cái còn bởi chúng ta rất tôn thờ sự sinh nở tự nhiên trong tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng bản địa. 

Chỉ giống cái mới có chức năng sinh nở, nên được coi trọng, tôn sùng hơn.

Trong khi ngày nay người ta vẫn “trọng nam khinh nữ” thì người xưa đã biết “trọng nữ khinh nam”. Đây là điểm tiến bộ của người Việt bản địa khi coi trọng nữ quyền.

Nét độc đáo trong việc tôn thờ sự sinh nở của người Việt là được gắn với tín ngưỡng phồn thực, vốn tự nhiên, chất phác nên thờ luôn cả cơ quan sinh dục của người phụ nữ, xem đó như khởi nguyên của loài người.



Có thể thấy rõ nét nhất ở việc các Mẫu và các Quan, Thánh luôn được thờ trong hang động, nơi mọi người thắp hương khấn vái. 

Theo phó giáo sư Nguyễn Thị Bích Hà (Đại học Sư phạm Hà Nội): “Lòng hang bí ẩn, tăm tối, ẩm ướt là biểu tượng cái tử cung của người đàn bà, từ đó muôn vật được sản sinh. Các Mẫu thường được thờ trong hang động, trong phủ với ý nghĩa này”.



Cũng theo phó giáo sư Nguyễn Thị Bích Hà: “Trứng mang biểu tượng của sự sinh nở. Trứng có hình tròn, màu trắng. Những chiếc bánh trôi nước cũng có hình tròn, màu trắng như quả trứng. Vì vậy, trong lễ hội tưởng niệm các Mẫu, người dân thường dâng cúng bánh trôi và bí mật thả bánh xuống sông hay giếng để tưởng niệm sự sinh sản của các Mẫu”.

Bởi thế, bánh trôi, bánh chay được người Việt xem là món bánh của sự sinh sản, sinh sôi nảy nở. 

Chỉ ba ngày sau tết Hàn thực, tới ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch, ở làng Hát Môn diễn ra lễ cúng và thả bánh trôi để tưởng nhớ Hai Bà Trưng.

Người ta tin rằng, phụ nữ ăn bánh trôi, bánh chay sẽ tăng khả năng sinh nở, có thể sinh con đàn cháu đống, con cái khỏe đẹp. 


Vì vậy, các chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ hiếm muộn, phụ nữ mang thai, hay cả đàn ông cũng đều tích cực ăn bánh trôi, bánh chay như một đức tin để được con đàn cháu đống, mẹ tròn con vuông. 

Không chỉ là một phong tục, tập quán, đây còn là nét văn hóa đậm đà bản sắc dân dộc, thể hiện sự tiến bộ trong quan điểm về nữ quyền của người xưa. 


Đức Long
Theo Vietnamnet