Canh bóng là một trong những món ăn phổ biến vào dịp Tết. Với vị thanh ngọt, không ngấy, canh bóng từ lâu đã được nhiều người sử dụng trên mâm cơm Tết cổ truyền. Mặc dù là món ăn ngon, dễ ăn nhưng người tiêu dùng hết sức lo ngại tình trạng bóng bì bẩn, gây tổn hại sức khỏe.
Bì lợn hiện nay nằm trong top những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất hiện nay. Phía cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ bì lợn bẩn, nhiều vụ bì lợn thối trên đường vận chuyển đến các nơi tiêu thụ đã bị phanh phui.
Bóng bì bị bẩn và nhiễm độc tố ngay từ lúc nhập nguyên liệu
Vào tháng 4/2016, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TX Tân Châu (An Giang) đã tiến hành kiểm tra đột xuất thì phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến da bì lợn đã bị đổi màu và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chủ cơ sở sản xuất, bà Lưu Thị Tố Loan khai mình đã mua số bì lợn thối ở những chợ trôi nổi để chế biến thành bì bán ra thị trường.
Thủ đoạn chế biến bì lợn bẩn, hôi thối thánh trắng sạch, thơm ngon khiến người mua hàng phải rùng mình sợ hãi. Giống như bất cứ loại thực phẩm bẩn nào, nếu chẳng may ăn phải bóng bì bẩn, bạn sẽ bị tổn hại sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), rất nhiều cơ sở sản xuất bóng bì có nguồn nhập hàng không đảm bảo, không được kiểm tra kỹ lưỡng khiến bóng bì có nguy cơ bị bẩn và nhiễm độc tố ngay khi được nhập về.
"Bì lợn khi để ôi thiu lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển, sinh ra nhiều độc tố. Thêm nữa là khâu chế biến bóng bì không đảm bảo vệ sinh khiến tình trạng mất vệ sinh thực phẩm càng trầm trọng hơn. Hậu quả là bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, lâu dần chất bẩn, hóa chất tái chế bóng bì có khả năng tích tụ trong cơ thể sẽ gây nên nhiều bệnh mãn tính, trong đó phải nói đến nguy cơ ung thư", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Chưa hết, để loại bỏ mùi hôi thối của bóng bì, người tiêu dùng có thể sử dụng một lượng lớn chất tẩy rửa. Chất tẩy trong quá trình chế biến không chỉ dừng ở mức gây ngộ độc mà có thể gây tử vong lập tức. Trước khi gây nên các bệnh mãn tính, lá gan của bạn sẽ ốm yếu dần vì phải tiếp nhận quá nhiều chất độc.
Ăn bì lợn được tẩy trắng bằng hóa chất không tránh khỏi ung thư
Chung nhận định này, PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm) cho biết thêm, để sản xuất bóng bì, rất nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng nước javen, oxy già và chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit. Đây đều là những hóa chất có tính tẩy mạnh. Nếu ăn thường xuyên sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ ung thư.
Nhiều người cho rằng sử dụng nước oxy già sẽ giúp tẩy trắng, sát khuẩn bì lợn. Thực tế, đây lại là chất xúc tác khiến bóng bì đã bẩn nay còn nguy hại hơn. Sử dụng oxy già để tẩy trắng chỉ có tác dụng làm trắng bì lợn chứ không thể diệt bỏ vi khuẩn, mầm gây bệnh từ lợn chủ. Nếu chẳng may sử dụng bì lợn từ những con lợn bệnh thì sẽ đẩy cao gấp đôi nguy cơ mắc bệnh.
Chưa kể, nếu ăn phải bì lợn cạo lông chưa kỹ sẽ gây hại trực tiếp cho dạ dày. Nếu nhai phải bì lợn vẫn còn lông, nhất là dạng lông cứng, sẽ khiến tổn thương dạ dày, ruột non nếu lông cứng cắm vào niêm mạc.
Làm thế nào để nhận biết bóng bì sạch - bẩn?
Theo các chuyên gia, để có thể nhận biết được bóng bì bẩn – sạch dường như là điều không hề dễ dàng bằng mắt thường. Quan trọng nhất là phía nhà nước phải đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra gắt gao nguồn hàng tại từng cơ sở. Thêm vào đó, nhà sản xuất cũng cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người tiêu dùng.
Ngoài ra, bạn có thể mua bóng bì dựa theo những tiêu chí sau:
- Màu sắc: Bì lợn sạch, được lấy từ lợn khỏe mạnh sẽ có màu trắng hồng, thường có thêm lớp mỡ trong bì màu trắng phau đẹp mắt. Trong khi bì lợn tẩy hóa chất sẽ có màu trắng bất thường, trắng quá mức, không có lớp mỡ bên trong bì.
- Độ giòn: Bì lợn sạch có độ giòn và dai, trong khi bì lợn bẩn có thể rất dai nhưng không đảm bảo độ giòn dài lâu.
- Hương vị: Bì lợn sạch sẽ có mùi thơm đặc trưng của bì lợn, trong khi bì lợn ngâm hóa chất thường không có mùi vị gì của thịt lợn, thậm chí là mùi hôi hoặc mùi bất thường của hóa chất.
Theo Trí thức trẻ