Thành phần dinh dưỡng của cua đồng
Cua đồng có tên khoa học Somaniathelphusia sinensis, phân bố rộng ở vùng nước ngọt, từ đồng bằng, trung du, miền núi nước ta. Trong 100g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid, cung cấp được 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao: trong 100g cua có tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2, PP…
Chất lượng protid trong cua cũng thuộc loại tốt, qua phân tích người ta thấy cua đồng chứa có nhiều axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane…
Ngoài giá trị dinh dưỡng, cua đồng còn là một vị thuốc được nhân dân ta dùng từ lâu đời với tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương.
Những lưu ý khi ăn cua đồng để tránh nguy hiểm
Không nên ăn sống hoặc gỏi
Ở nhiều vùng quê, người dân có thói quen ăn gỏi cua sống, nhưng đây có thể là món ăn sống chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm, gây ngộ độc thức ăn, đặc biệt là bệnh sán lá phổi.
Sán lá phổi tuy ký sinh trong phổi và đẻ trứng ở phế quản nhưng vẫn là một bệnh lây theo đường tiêu hóa và có liên quan mật thiết với tập quán ăn cua, chưa nấu chín.
Cũng theo khuyến cáo của cơ quan y tế California (Mỹ), ăn cua đồng sống hay nấu chưa chín có thể bị bệnh sán lá phổi do ký sinh trùng Paragonimus. Ký sinh trùng này sống bám trên cua đồng khi vào ruột gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy... Nếu sang phổi sẽ gây ho, đau tức ngực, khó thở, nóng sốt, nổi mề đay. Nếu sán cư trú ở não thường gây cơn động kinh, ở gan tạo áp xe…
Không ăn cua chết
Ăn phải cua chết vô cùng nguy hiểm. Trong cua có rất nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có axit amin histidine. Khi cua chết, hoạt chất này sẽ biến đổi thành chất độc histamine khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, đau đầu, choáng váng, nôn mửa. Cua càng chết lâu thì càng độc.
Cẩn thận loại bỏ các loại con vắt trước khi nấu chín
Theo TS Phan Thanh Tâm (Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nếu trong môi trường nước bẩn, cua rất dễ bị vắt, sán, đỉa sống ký sinh. Đặc biệt phần mai cua là nơi vắt, sán, đĩa… trú ẩn. Không chỉ có vắt, sán, rất có thể trong thịt hoặc thân cua còn có trứng giun sán, ấu trùng bám vào. Vì thế, chúng ta cần tuân thủ quy tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay chân sạch sẽ khi nấu nướng, tránh để những loại ấu trùng, trứng này đi vào cơ thể, sống ký sinh ở ruột, cơ bắp, não, mắt… rất nguy hiểm.
Những người không nên ăn cua đồng
Phụ nữ có thai
Phụ nữ mang thai những tháng đầu hay thai nhi yếu tuyệt đối không nên ăn cua đồng. Bởi vì do tính độc trong cua không tốt cho sự phát triển của trẻ. Hai là do tính hàn sẽ dễ gây ra đau bụng, đặc biệt công năng phá thai cũng gần giống như một khối u trong cơ thể nên nếu ăn cua đồng sẽ dễ bị sảy thai hoặc sinh non.
Người bị cảm lạnh, tiêu chảy
Theo đông y những người bị cảm lạnh sốt, đau dạ dày hoặc những người bị tiêu chảy không nên ăn cua vì thịt cua lạnh khiến bệnh càng nặng hơn.
Người có bệnh cao huyết áp và tim mạch
Cua đồng càng béo ngậy hàm lượng chất béo trong cua càng cao. Việc ăn nhiều cua đồng sẽ khiến cholesterol trong máu tăng cao. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử về tim mạch và huyết áp.
Người bị hen, cảm cúm
Theo Đông y cổ truyền, cua đồng vốn có tính hàn, hạn chế sử dụng cho những người hay bị nhiễm lạnh, dính gió, đặc biệt là bị ho hen và cảm cúm. Vì tính hàn sẽ làm cho cơn hen trở nên nặng hơn, khó thở và ho liên tục. Tuy nhiên vẫn có thể dùng hạn chế chứ không cần phải kiêng khem tuyệt đối.
Người bị bệnh gout
Người bị bệnh gout không nên ăn cua đồng do hàm lượng protein trong cua đồng rất cao, điều này khiến bệnh gout chuyển biến trầm trọng thêm. Ngoài do cua có tính hàn làm cho các chỗ sưng bị bệnh, dễ bị nhiễm lạnh, phát bệnh gây đau nhức, sưng tấy… làm bệnh trầm trọng hơn.
Theo Trí thức trẻ