Trước sự đe dọa của loại virus đặc biệt nguy hiểm Zika, các nhà khoa học trên toàn thế giới đang gấp rút nghiên cứu và phát triển các dự án bào chế vắc-xin phòng chống virus Zika - bị nghi gây ra chứng teo não trẻ sơ sinh. Mới đây, công ty dược phẩm Bharat Biotech có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ cho biết họ đã đăng ký bản quyền cho loại vắc xin Zika và gửi hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế từ 9 tháng trước.


Ấn Độ chế tạo vắc xin chống virus Zika đầu tiên trên thế giới? (ảnh: NDTV)

Sử dụng virus Zika nhập khẩu để nghiên cứu, Bharat Biotech đã phát triển hai loại vắc-xin, tuy nhiên việc thử nghiệm lên động vật và con người vẫn còn là một chặng đường dài. Bác sĩ Krishna Ella, giám đốc của Bharat Biotech cho biết công ty đang vận động hỗ trợ của chính phủ về vấn đề này.

Trước mắt, Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) đã đồng ý giúp đỡ giúp đỡ công ty trong việc triển khai hoàn thiện và sản xuất loại vắc xin.

Trong thời gian tới, Bharat Biotech dự định sản xuất 1 triệu liều vắc xin trong vòng 4 tháng nếu điều kiện cho phép.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan y tế công cộng khác đã liên tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của virus Zika, loại virus có nguy cơ gây teo não bào thai và có thể lây truyền từ mẹ sang con.

Các triệu chứng mắc virus ở người lớn bao gồm sốt cao, phát ban, đau khớp và viêm kết mạc kéo dài từ vài ngày cho đến 1 tuần.

Mặc dù muỗi Aedes được cho là trung gian truyền bệnh chính của virus Zika, song tại Mỹ đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus này qua đường tình dục.

Theo Đại đoàn kết