Chai mật ong rơi xuống làm thủng nóc ô tô. Ảnh: Hương Nguyễn
Một bảo vệ tên Thọ làm việc tại đây cho hay, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng cư dân tòa nhà Sông Hồng quăng ném đồ vật từ trên tầng xuống.
Ông Thọ kể, có lần ông đang đứng hướng dẫn xe ô tô vào hầm thì bị giội cả một xô nước, ướt hết người. Có lần một chiếc thớt gỗ rơi xuống đường, nhưng may mắn không trúng ai. Ngoài ra, những vật dụng khác như túi rác, giấy báo, sách vở, hộp mỳ tôm nóng ăn dở, quả bí thối, cuống rau vừa nhặt… “rơi” nhiều, đếm không xuể.
Tại Hà Nội, theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng ném rác, vật dụng nguy hiểm… từ các từ tầng cao xuống đất khá phổ biến ở một số chung cư.
Rác thải được ném xuống ở sân chung cư CT7G, Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Ngọc Tú (tầng 4, tòa nhà N03-khu tái định cư Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, bên dưới tầng 1 chung cư chị sống có sảnh che bằng mái tôn. Qua thời gian, mái tôn này dần bị phủ kín bởi các loại rác thả người trên tầng ném xuống.
“Có tối, cả khu chung cư đang tĩnh lặng thì bất ngờ một tiếng “rầm” rất lớn vang lên. Mọi người tưởng có cháy nổ gì nên tháo chạy ra ngoài. Sau đó, nguyên nhân được xác định là do gia đình nào đó ném chiếc ghế gỗ từ trên tầng xuống mái tôn tầng 1”, chị Tú nhớ lại.
Chuyển về sống tại tòa nhà CT7G, Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Minh cho biết, tình trạng vứt rác, đồ dùng từ các tầng trên xuống sân rất phổ biến ở chung cư này.
Chị Minh kể, nhiều sáng dậy đi chợ, chị thấy la liệt các túi rác ở dưới sân chung cư. Có hôm 2 vợ chồng chị đang ngồi ở ghế gỗ dưới sân chung cư hóng gió. Bất ngờ từ đâu một quả trứng ném xuống đúng chỗ 2 người ngồi. Hai vợ chồng chị chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra, một quả trứng khác lại từ đâu bay tới.
Vỏ trứng bị ném từ trên tầng cao tòa CT7D Khu đô thị Dương Nội. Ảnh: NVCC
Sống tại tòa nhà CT7D gần đấy, chị Kim Cúc cũng cho hay, có lần chị đang đi bộ dưới sân chung cư thì bất ngờ bị cả một xô nước giội trúng người. Khi ngẩng lên thì chẳng biết xô nước đó bắt nguồn từ tầng nào. Dù rất bực mình nhưng chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ngoài tình trạng ném rác, vật dụng nguy hiểm xuống đất, việc lấn chiếm lối đi chung cũng diễn ra nhiều ở các chung cư tại Hà Nội.
Khảo sát một số chung cư ở Hà Nội như B10A, B10B, B10C khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội); CT1X2 khu độ thị Bắc Linh Đàm…, phóng viên ghi nhận nhiều hành lang chung cư bị người dân chiếm dụng để làm kho chứa đồ, mở quán tạp hóa, tiệm cắt tóc, xả rác, nuôi chó mèo…
Căn hộ 508 tòa nhà CT1X2 Khu ĐTM Bắc Linh Đàm chưa có người ở được người dân gần đó tận dụng làm nơi chứa đồ và nuôi mèo.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Tâm lý học Bùi Hồng Quân chia sẻ, người dân khi sống ở dưới thấp có thói quen vứt rác hoặc ném đồ ra mặt đất. Khi chuyển đến sống tại các nhà cao tầng vẫn giữ thói quen cũ. Một số trường hợp bị kích thích tâm lý như mâu thuẫn gia đình, cãi cọ, xô xát… cũng dẫn đến quăng ném đồ.
“Những vật dụng nhỏ nhẹ, ít tính sát thương như rác, sách vở… thì không sao. Tuy nhiên, những vật dụng mang nhiều tính sát thương như bàn ghế, chai lọ… được ném từ trên cao xuống sẽ có vận tốc lớn, trúng người rất dễ xảy ra án mạng.
Các Ban quản lý chung cư cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cư dân ở tòa nhà. Đặt ra những quy định chung để giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự. Lắp camera theo dõi để xử phạt những trường hợp vi phạm”, ông Quân cho hay.
Theo Dân Việt