Là nơi đăng cai hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), thủ đô Paris - Pháp tiếp tục là tâm điểm của thế giới sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn làm 130 người chết hôm 13-11.

Với quyết tâm không để xảy ra thảm kịch tương tự, nhà chức trách Pháp từ ngày 27-11 đã triển khai 2.800 cảnh sát tại địa điểm diễn ra hội nghị COP21 ở khu ngoại ô Le Bourget của Paris. Bên cạnh đó, 8.000 cảnh sát đã được triển khai ở khu vực biên giới của Pháp trong suốt 2 tuần diễn ra hội nghị để kiểm tra xe cộ đi vào nước này. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết một cơ số cảnh sát cơ động “chưa từng có” sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa. Đó là chưa kể đến hơn 100 nhân viên an ninh của Liên Hiệp Quốc cũng như 300 nhân viên bảo vệ sẽ tuần tra an ninh ở hội nghị.

An ninh đang được thắt chặt tại khu ngoại ô Le Bourget của Paris Ảnh: REUTERS
An ninh đang được thắt chặt tại khu ngoại ô Le Bourget của Paris Ảnh: REUTERS

Tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố diễn ra ở thủ đô Paris hôm 27-11, nhiều người dân bày tỏ hy vọng hội nghị COP21 - dự kiến khai mạc vào ngày 30-11 tới - là dịp để thế giới bày tỏ sự đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố. Các chuyên gia an ninh nhận định rằng nếu tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay một nhóm cực đoan nào khác cố gắng tấn công Paris vào thời điểm diễn ra hội nghị, chúng nhiều khả năng chỉ nhằm vào những mục tiêu được bảo vệ ít nghiêm ngặt, hơn là tìm cách chọc thủng nhiều lớp bảo vệ tại nơi 150 nguyên thủ quốc gia gặp mặt, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Những kẻ khủng bố biết rằng việc tấn công các nhà lãnh đạo hoặc các địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt là điều không tưởng. Thế nhưng, nói vậy không có nghĩa là chúng sẽ không thử” - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) Camille Grand nhận định với báo The Washington Post.

Kể từ sau vụ tấn công hôm 13-11, Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các lực lượng an ninh tiến hành hơn 1.000 vụ bố ráp, bắt giữ hơn 120 người bị cáo buộc liên quan đến khủng bố. Do đó, theo ông Grand, trong lúc lực lượng an ninh đang tăng cường hoạt động như vậy, mọi toan tính tấn công, nếu có, sẽ phải chờ tình hình hạ nhiệt. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà tổ chức hội nghị lơ là khâu an ninh. Chẳng hạn như một phần đại lộ vành đai Paris sẽ đóng cửa trong những ngày các nhà lãnh đạo thế giới có mặt. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo còn kêu gọi cư dân địa phương sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào những ngày này.

Các cuộc biểu tình tại Paris cũng bị cấm kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, buộc các nhà hoạt động phải tìm kiếm những phương thức khác để thu hút sự chú ý của dư luận đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi đó, người dân tại nhiều nước trên thế giới đã tham gia các cuộc tuần hành hôm 28-11 để thúc giục các chính phủ cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nhà lãnh đạo thế giới tại các cuộc họp về khí hậu, rằng sự sống còn của chúng tôi là không thể thương lượng” - Denise Fontanilla, người phát ngôn Phong trào nhân dân châu Á về nợ và sự phát triển, cho biết tại một cuộc tuần hành ở thủ đô Manila - Philippines. Theo kênh truyền hình Euronews, nhiều cuộc tuần hành khác cũng được lên kế hoạch trên toàn cầu để nâng cao nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu trong ngày 29-11.

Theo Người lao động