"Ai đời cả năm mới về Tết quê chồng một lần mà than khổ, than phiền. So với các bà, các mẹ ta xưa thấm tháp gì. Cái ngữ ấy không uốn nắn sớm chỉ tổ làm loạn!", người đàn ông tỏ ra bức xúc lắm.
"Đàn ông tồi mới để vợ khổ" - một ông khác quả quyết trong cuộc nhậu dù xung quanh mình đã có nhiều ánh mắt "không phục".
Chẳng là lúc "trà dư tửu hậu", cả đám bạn thời nối khố với nhau đang mưu sinh ở thành phố cao hứng nói chuyện Tết nhất sắp đến gần.
Doanh nhân A kể, quê anh vùng chiêm trũng xứ Bắc, Tết đến xuân về có phong tục "một cái bánh chưng Tết cả làng". Nghĩa là cả làng đều đi Tết nhau, thiếu mặt nhà nào thì nhà ấy năm mới nghe đủ "tiếng bấc tiếng chì".
Mà quà cáp, lễ lạt nào cần cao sang gì, từ đời ông cha tới bây giờ duy trì phong tục mỗi nhà đi chúc Tết chỉ mang theo một chiếc bánh chưng. Đến nhà nào thì đặt cái bánh chưng ấy lên ban thờ cúng lễ, xong xuôi chuyện trò, ăn uống đợi tàn hương thì hạ lễ mang về. Lại đi nhà khác. Ấy thế mà cô vợ phố thị của A năm nào cũng ca cẩm quê chồng lạc hậu và tìm mọi cách "kháng cự" lại phong tục ấy.
Ảnh minh họa (st)
Thi sĩ B tiếp nối lời than, năm nào Tết đến đại gia đình anh cũng chia làm "hai chiến tuyến": Vợ và các con anh một "phe", bố mẹ anh em họ hàng ở quê một "phe". Và B ở giữa "tiến thoái lưỡng nan". Trời mưa phùn gió bấc, vợ B một mực phản đối ông bà, họ mạc "tha lôi" hai đứa trẻ đi chúc Tết trong khi với bố mẹ anh, việc đi đâu nhất thiết mang theo cháu chắt là niềm hãnh diện khôn tả.
"Nắng đã có mũ, mưa đã có ô, lạnh cảm cúm đã có... Tiffi", bố anh luôn miệng nói theo câu quảng cáo trên tivi rồi đưa tay chỉ hàng chục đứa trẻ quê đầu trần chân đất đang chạy nhảy ngoài sân buông những thán từ thương xót cho hai đứa cháu được mẹ nuôi nấng kiểu "gà công nghiệp".
Ngặt nỗi, vợ B có cố giữ cũng chẳng được và hai đứa trẻ đương nhiên Tết nào cũng lăn ra ốm, có năm giữa đêm giao thừa hai vợ chồng phải gọi xe cấp cứu vì con ngộ độc thức ăn. Mọi nguồn cơn giận dỗi, bực dọc thị đều trút vào B. Tết nhất nhưng "hai chiến tuyến" chưa bao giờ thôi hấm hứ, tìm cách "chơi ngược" lại nhau.
Một người đàn ông khác trong cuộc nhậu lại có nỗi khổ riêng. Anh làm bảo vệ cho một công ty tư nhân, vợ làm tạp vụ. Hai vợ chồng chân chất, thật thà chật vật mưu sinh nơi phố thị. Cả năm vợ chồng làm ăn cóp nhặt nhưng về ăn một cái Tết là hết sạch: Tiền xe cộ cho nhà, quà cáp sắm sửa cho gia đình, dòng họ.
Ở phố nghèo đói thế nào không biết, nhưng hễ về đến quê là vợ chồng anh được bố anh "gõ đầu": Phải sống sao cho bố mẹ còn mở mày mở mặt với thiên hạ! Tiền nong eo hẹp nhưng ở quê "con gà tức nhau tiếng gáy", vợ chồng anh gần như bị ép vào "khuôn khổ" mua gì, tặng ai, bao nhiêu tiền... mà không năm nào "thoát".
Chưa kể, tiết trời quê mưa phùn gió bấc, cỗ bàn bày biện triền miên nên trước và sau mỗi bữa ăn, thường chỉ một tay vợ anh nấu nướng, dọn dẹp, có khi tối mịt vẫn chưa xong. Gọi là ăn Tết nhưng có lẽ những người phụ nữ cam chịu như vợ anh chẳng "ăn" nổi miếng nào ngon lành, thanh thản.
Ảnh minh họa (st)
Đúng là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nhưng xem ra so với những người bạn cũ trong cuộc nhậu thì có một nhân vật khá khẩm hơn hẳn. Năm đầu tiên đưa vợ mới cưới về ra mắt họ hàng, anh chủ động thay đổi truyền thống nàng dâu mới phải đi "nhận họ" cả trăm nhà.
Trong cuộc lễ lạt, liên hoan cuối năm tại nhà thờ Tổ có đầy đủ già trẻ gái trai, anh đứng lên xin phép tuyên bố: "Đây là vợ của con..." rồi giới thiệu "trích ngang" luôn trước khi nàng dâu mới đứng lên ra mắt họ mạc. Cũng trong cuộc gặp gỡ ấy, vợ chồng anh trao quà luôn cho chú bác, anh em trong dòng họ. Đám đông cũng có tiếng xì xào: Làm thế là không phải phép, chúng nó cậy tiền bạc sinh ra hỗn hào... nhưng anh kệ!
Bình thường, mỗi khi có người ở quê ra, vợ chồng anh đều chủ động tiếp đón, lo ăn nghỉ, hỗ trợ khám chữa bệnh trong khả năng có thể... anh nghĩ, chẳng lý gì một chút thay đổi lễ nghi, thủ tục lại khiến họ đánh giá sai về mình. Với bố mẹ anh cũng vậy. Thỉnh thoảng, ông bà lên phố chơi với cháu, vợ chồng anh dù bận rộn đến đâu cũng phân công nhau lo cơm nước chu đáo, đưa ông bà đi chơi... Mỗi lần ai đó từ thành phố trở về đều ca ngợi vợ chồng anh hết lời. Ấy vậy nhưng "đụng" đến phong tục quê hương lại là chuyện hệ trọng!
Ngay tối hôm ấy, bố mẹ anh đã mặt nặng mày nhẹ cho rằng con trai, con dâu "bôi tro trát trấu" vào mặt gia đình vốn được tiếng gia phong nền nếp. Như ngày anh còn bé, bố anh bắt vợ chồng anh đứng khoanh tay nghe ông giảng giải đạo lý, truyền thống, phong tục. Rằng vì sao lại có tục lệ này, có nỗi mệt mỏi kia mà hết đời này đến đời khác không thể bỏ.
Vợ anh con nhà gia giáo chỉ dám khoanh tay lắng nghe. Để bố nói xong, anh xin phép đáp lời. Anh phân tích cho bố hiểu vì sao có những giá trị cần gìn giữ, có cổ tục cần thay đổi... và khẳng định luôn thái độ của vợ chồng mình khi thưa chuyện, lúc trao quà cũng như những lúc thường nhật chẳng có gì khiến bố mẹ phải xấu hổ, phiền lòng trước họ hàng, làng xóm. Mềm mỏng, lễ độ hết mức có thể nhưng khi bố anh xẵng giọng, đập bàn đập ghế, anh cũng bày tỏ luôn quan điểm nếu đấng sinh thành cứ khăng khăng cho rằng con cái gây nên "tội" gì to lớn thì anh đưa vợ quay trở về thành phố ngay lập tức.
Đã có xung đột, có nước mắt, có lời ra tiếng vào... nhưng cuối cùng, bằng sự hiểu biết và bản lĩnh của một người đàn ông trưởng thành, anh cân bằng được giá trị truyền thống của Tết quê với yêu cầu cần giản lược bớt những hủ tục gây phiền hà, mệt mỏi. Đương nhiên, điều đó chẳng hề đơn giản. Nó cần xuất phát từ tình yêu thương, bản lĩnh của một người đàn ông với vai trò là chỗ dựa trong gia đình nhỏ của mình.
Ngày Tết, phụ nữ trong nhà tránh sao được cảnh khom lưng chuẩn bị cỗ bàn, lễ lạt và dọn rửa cả chục mâm bát đĩa trong tiết trời lạnh giá. Anh tâm sự với cánh đàn ông: "Các ông có xắn tay lên giúp vợ chắc vợ cũng chẳng cần nhưng thay vì ngồi vắt chân chữ ngũ bia bọt rượu chè hay sà vào đám tổ tôm như các cụ thì mình hãy cứ được vài lời nói, cử chỉ chia sẻ đi. Không đỡ mẹ, đỡ vợ việc này thì hãy làm việc khác. Cháu chắt đầy nhà mình cũng phải có thái độ yêu cầu chúng phụ bà, phụ mẹ. Tóm lại, đừng đổ lỗi cho phong tục mà thực tế là đàn ông tồi mới để vợ khổ!".
Theo Gia đình & Xã hội