Ăn nửa bỏ nửa

Nằm trên phố Tấn Dương (Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc), Jinbojue là một khách sạn chuyên tổ chức tiệc cưới theo chủ đề.

Vào một buổi trưa cách đây vài ngày, một tiệc cưới 25 bàn đã được tổ chức tại đây. Hơn 13h chiều, tiệc tàn, khách khứa lần lượt ra về nhưng trên bàn vẫn còn khoảng 1/3 thức ăn thừa: nửa con cá hấp, nửa đĩa thịt vịt hay đĩa cơm rang gần như chưa ai đụng đũa... Tất cả đều được thu dọn đổ vào thùng thức ăn thừa trong nhà bếp.

Chia sẻ với Tân Hoa Xã (Trung Quốc), nhân viên phục vụ của khách sạn cho biết, khách khứa thì ngại đóng gói, chủ nhân bữa tiệc thì lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên thức ăn thừa đều bị bỏ đi.

Trương Đức Khánh, người chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển rác thải trong các nhà bếp trên phố Tấn Dương nói rằng, trong số bốn mươi hoặc năm mươi doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực lớn nhỏ, Jinbojue là "đại gia" về rác thải trong nhà bếp, rác thải từ các bữa tiệc cưới, ít thì 2,3 thùng, nhiều thì 7,8 thùng, gấp vài lần so với các nhà hàng khác.

"Nhìn cơm trắng, thịt gà, vịt, cá dở dang mà xót quá", ông Trương nói.

Theo nhiều doanh nghiệp ẩm thực, tỷ lệ dư thừa của các bữa tiệc lớn như tiệc cưới, tiệc sinh nhật... thường ở mức trên 30%, một số bữa tiệc có thể lên tới 50% hoặc thậm chí cao hơn.

Cô Vương Gia Hân, hiện làm việc tại Bắc Kinh, cho biết cách đây không lâu cô vừa tham dự một tiệc cưới. Một bàn trị giá 10.000 NDT nhưng số khách chưa đến 10 người/bàn, có bàn thậm chí chỉ có 4,5 người ngồi. Nhiều món ăn chưa động đũa cũng bị đổ đi, cảm giác kiểu ăn nửa vứt nửa.

Ăn tiệc kiểu Trung Quốc: Nửa ăn nửa bỏ, khách muốn ăn chay - chủ nhân ép ăn mặn-1
Người Trung Quốc nửa ăn nửa bỏ thức ăn trên bàn tiệc. Ảnh: Tân Hoa Xã

"Hiện nay, tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra rất nghiêm trọng trong các bữa tiệc", ông Vu Học Vinh, Chủ tịch Hiệp hội ngành dịch vụ ẩm thực tỉnh Giang Tô nói rằng, các tiệc như tiệc cưới, sinh nhật nói chung thường được đặt rất nhiều bàn, mỗi bàn lại bày nhiều món ăn, một số nơi lại trọng phô trương nên đồ ăn thường lãng phí khoảng 40%.

Phú Yến Phi, quản lý cửa hàng của Hội quán Sơn Tây chia sẻ, một tiệc cưới bình thường đặt từ 15 đến 30 bàn, giá một bàn tiệc tầm trung khoảng 1.500 NDT, nếu lãng phí 30% món ăn mỗi bàn thì một tiệc cưới có 30 bàn sẽ lãng phí đến hơn chục nghìn NDT.

Chủ - khách đối lập

"Tiệc cưới lãng phí nhiều, chủ yếu là do sĩ diện", bà Lý vừa tổ chức tiệc cưới cho con trai cho biết, hôn lễ đại sự là bộ mặt lớn, họ hàng, bạn bè xa gần đều đến chúc mừng, khi chuẩn bị tiệc thà thừa thãi chứ không thể thiếu, nếu "sạch đĩa" thật thì khó tránh khỏi bị người khác chê cười, rất mất mặt.

Để đánh vào tâm lý của khách hàng, các công ty cung cấp dịch vụ ẩm thực đã tung ra các gói tiệc đa phần theo tiêu chuẩn "tám lạnh, mười nóng", lại thêm món chính, canh, điểm tâm, hoa quả tráng miệng..., cơ bản thường hơn 20 món, có khi là 26, 28 món, vượt xa sức ăn của một bàn 10 người.

Ăn tiệc kiểu Trung Quốc: Nửa ăn nửa bỏ, khách muốn ăn chay - chủ nhân ép ăn mặn-2

Không chỉ vậy, giữa chủ và khách còn có sự mâu thuẫn giữa cung và cầu. Những người được phỏng vấn cho biết, chủ nhân bữa tiệc thích phục vụ các món cơ bản như gà, vịt, cá, thịt vì họ cho rằng chỉ có những món này mới thể hiện tâm ý, thể diện nhưng hiện nay chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể và so với cá thịt, họ lại ưa thưởng thức các món chay thanh đạm.

Vì vậy, những món ăn dư thừa trong các bữa tiệc thường là các món mặn đắt tiền và mất nhiều thời gian chuẩn bị.

Một quản lý khách sạn cao cấp chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng, không chỉ chủ nhân bữa tiệc quan tâm đến sĩ diện mà khách khứa cũng vậy. Có những bữa tiệc, dù gặp món ăn ưa thích nhưng khách khứa không bao giờ ăn đến miếng cuối cùng; có người dù chưa no nhưng nhìn thấy mọi người xung quanh đã dừng đũa thì bản thân cũng ngại, không muốn ăn tiếp.

"Trước đây, thiếu thốn vật chất, tiệc tùng thịnh soạn phản ánh thực lực và thể diện của gia chủ nhưng hiện nay, vật chất ngày càng phong phú, ở mức độ nào đó, thói quen và tập quán này lại trở thành thói đua đòi, phô trương, khoe khoang, rất nhiều người mắc kẹt trong lối suy nghĩ này, mặc dù không tán thành thì bản thân cũng không thể không xuôi theo xu hướng", chuyên gia văn hóa dân gian Trung Quốc Thường Tự Tân nhận định.

Tăng cường thay đổi thói quen xã hội

Nhiều người được phỏng vấn cho rằng, giải quyết tình trạng lãng phí trong tiệc chiêu đãi và nâng cao ý thức, thói quen tiết kiệm trong xã hội Trung Quốc là nhiệm vụ lâu dài, cũng là hành động toàn dân, đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía của mọi thành phần trong xã hội.

"Trước đây, đối với sự lãng phí trong tiệc cưới, tiệc sinh nhật, [Trung Quốc] đã tiến hành rất nhiều biện pháp can thiệp", chuyên gia nghiên cứu thuộc Khoa Xã hội học, Đại học Vũ Hán, Lã Đức Văn cho rằng, về vấn đề này, các cán bộ đảng viên cần phải nêu gương, thúc đẩy hình thành bầu không khí xã hội tốt đẹp.

Theo Tân Hoa Xã, ngành công nghiệp ẩm thực cũng cần nâng cao nhận thức tiết kiệm cải thiện dịch vụ và tối ưu hóa các tiêu chuẩn dịch vụ. Những người trong ngành dịch vụ ẩm thực như Phú Yến Phi và Vu Học Vinh đều cho rằng, các công ty cung cấp dịch vụ ẩm thực nên chủ động chịu trách nhiệm vận động tiết kiệm và hướng dẫn người tiêu dùng về cách đặt tiệc hợp lý, đồng thời áp dụng cách xây dựng thực đơn phù hợp, khuyến khích các biện pháp như đóng gói mang về để tránh lãng phí.

Được biết, Bộ Thương mại và Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc vừa hoàn thành các tiêu chuẩn tiết kiệm quy phạm và đang lấy ý kiến ​​từ xã hội để thúc đẩy hiệu quả việc tiết kiệm trên cơ sở cải thiện các tiêu chuẩn và quy trình phục vụ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ẩm thực Trung Quốc đã hành động chống lại vấn đề lãng phí thực phẩm. Một số khách sạn đã điều chỉnh các món trong gói tiệc, giảm các món cơ bản nhiều dầu mỡ, định lượng món ăn hợp lý, giảm giá suất ăn; một số khách sạn cung cấp miễn phí hộp và túi đóng gói, đồng thời chia sẻ cho khách hàng cách bảo quản thức ăn thừa...

Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, ở mức độ vĩ mô, xóa bỏ triệt để tình trạng lãng phí trong tiệc tùng như tiệc cưới, tiệc sinh nhật là vấn đề thuộc phạm trù thay đổi phong tục nên cần tăng cường tuyên truyền, tiếp tục vận động người dân.

Theo Tổ Quốc