Thực tế, những món ăn như tôm cá hấp bia, bò sốt vang thường trộn lẫn với nhiều loại gia vị khác nên lượng cồn không nhiều như uống trực tiếp.

Việc ăn những thực phẩm này không ảnh hưởng đến điều khiển phương tiện giao thông, song vẫn khiến hơi thở có cồn.

Để tránh việc thổi nồng độ lên cồn, sau ăn bạn chỉ cần nghỉ ngơi 30 phút, súc miệng, uống thêm nước lọc. Trường hợp đo vẫn lên, bạn có thể đề nghị cho nghỉ thêm 15 phút rồi đo lại.

Ăn tôm hấp bia có lên nồng độ cồn?-1
Dùng bia để hấp tôm là thói quen chế biến của nhiều người. (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ vào thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn.

Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Người trưởng thành có sức khoẻ bình thường, cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.

Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 - 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 - 90% sẽ được xử lý qua gan.  

Hiện không có con số chính xác tuyệt đối sau uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể.

Tùy vào từng người mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.

Theo VTC News