Đứng đầu danh sách là nữ diễn viên, đạo diễn kiêm nhà từ thiện người Mỹ Angelina Jolie. Trong sự nghiệp, Jolie nhận một giải Oscar, 3 giải Quả cầu vàng và được công nhận là nữ diễn viên Hollywood hàng đầu. Đây là năm thứ hai liên tiếp Jolie đứng đầu danh sách 15 người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất thế giới của YouGov.
Xếp thứ hai là cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama. Sinh năm 1964 tại Chicago, bà tốt nghiệp Đại học Princeton và trường Luật Đại học Harvard. Kết hôn với Barack Obama, bà góp phần viết nên “giấc mơ Mỹ” của chồng. Sự đoan trang, đứng đắn, tự tin, hòa nhã của bà Obama trở thành hình mẫu cho rất nhiều phụ nữ noi theo.
Oprah Winfrey sinh năm 1954, là người dẫn chương trình, nhà sản xuất nổi tiếng của Mỹ. Bà được xem là nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu làng giải trí Mỹ. Tháng 9/2006, bà được tạp chí Forbes ghi tên vào top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, ở vị trí thứ 14. “Nữ hoàng của các cuộc nói chuyện”, “Bà trùm của giới truyền thông” là tên gọi mà khán giả ưu ái dành cho bà.
Nữ hoàng Elizabeth II sinh năm 1926 tại London, là người trị vì vương quốc Anh trong thời gian lâu nhất (hơn 66 năm). Năm 1947, bà kết hôn với Hoàng đế Philip - cựu hoàng tử Hy Lạp và Đan Mạch. Hai người có 4 con, 8 cháu và 5 chắt.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giữ vị trí thứ 5. Sinh ra và lớn lên tại Chicago, bà Clinton lấy bằng tiến sĩ luật của Đại học Yale. Cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016. Vị phu nhân xuất chúng của cựu Tổng thống Bill Clinton luôn có mặt trong trong danh sách những người phụ nữ có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Ngôi sao xinh đẹp người Anh Emma Watson trở nên nổi tiếng khi còn rất nhỏ, lúc đảm nhận vai diễn Hermione Granger trong loạt phim Harry Potter Watson xuất hiện trong cả 8 phần của loạt phim, kiếm được 60 triệu USD. Năm 2015, cô cùng Taylor Swift lọt Top 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time.
Ở vị trí thứ 7 là nữ sinh 20 tuổi Malala Yousafzai đến từ Pakistan. Yousafzai là một nhà hoạt động nữ quyền, gây xôn xao dư luận khi viết blog kể chi tiết về cuộc sống hà khắc dưới chế độ Taliban. Cô bị phiến quân Taliban bắn vào đầu nhưng thoát chết. Năm 2014, Yousafzai đoạt giải Nobel Hòa bình.
Bà Angela Merkel sinh năm 1954, là Thủ tướng đương nhiệm của nước Đức. Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, bà Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới. Bà liên tục giữ vị trí này trong 10 năm kế tiếp. Năm 2015, nữ Thủ tướng 64 tuổi được Time bầu chọn là nhân vật của năm nhờ vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng nợ công và người nhập cư châu Âu. Năm 2017, bà Merkel tiếp tục đắc cử thủ tướng lần thứ 4.
Nữ ca sĩ Taylor Swift cũng góp mặt trong danh sách. Cô bắt đầu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc đồng quê khi mới 14 tuổi. Vào năm 2006, Taylor Swift phát hành album đầu tay với đĩa đơn Our Song, trở thành nhạc sĩ trẻ tuối nhất có bài hát đạt vị trí đầu tại bảng xếp hạng Hot Country Songs. Ngôi sao 28 tuổi đạt được rất nhiều thành tựu trong sự nghiệp của mình: 10 giải Grammy, 5 kỷ lục Guinness... Cô là một trong những nghệ sĩ bán đĩa chạy nhất mọi thời đại. Ngoài ra, ca sĩ người Mỹ cũng từng xuất hiện trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time (2010 và 2015).
Ca sĩ Madonna xuất hiện lần đầu với tư cách vũ công vào năm 1977, sau đó chuyển sang ca hát và trở thành ngôi sao sáng chói trên bầu trời âm nhạc. "Nữ hoàng nhạc pop" 59 tuổi nổi danh trong việc phá bỏ giới hạn nội dung ca từ văn hóa âm nhạc đại chúng. Xuyên suốt sự nghiệp, Madonna sáng tác hầu hết các ca khúc của mình, có một số đĩa đơn giữ vị trí đầu tại các bảng xếp hạng như Like a Virgin, Into the Groove, 4 Minutes,.. Bà mẹ 6 con được công nhận là nữ nghệ sĩ thu âm bán chạy nhất mọi thời đại theo Kỷ lục Guinness.
Hoa hậu thế giới 1994 Aishwarya Rai được bầu là Hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại hồi năm 2000. Cô là diễn viên có cát-xê cao nhất ở Ấn Độ. Tên của cô được đặt cho một loài hoa ở Hà Lan, loài hoa này là biểu tượng cho vẻ đẹp của đất nước châu Âu.
Cũng đến từ Ấn Độ, Priyanka Chopra là một nghệ sĩ đa tài hoạt động ở nhiều lĩnh vực như diễn xuất, ca sĩ, người mẫu, nhà sản xuất phim... Trong sự nghiệp, Chopra nhận nhiều giải thưởng, bao gồm giải Phim ảnh quốc gia và 5 giải Filmfare. Năm 2016, chính phủ Ấn Độ vinh danh cô với giải thưởng dân sự cao thứ tư của đất nước. Tạp chí Time ghi tên cô vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.