Anh Có Phải Đàn Ông Không xây dựng hình tượng ba nhân vật nam không theo kiểu lý tưởng, hoàn hảo. Mỗi người đều có những điểm khó ưa hoặc gây ức chế.
Vẫn thuộc nhóm phim đề tài gia đình, tác phẩm của đạo diễn Trịnh Lê Phong lấy hình ảnh người đàn ông làm chủ đạo. Câu chuyện phim xoay quanh cuộc sống của Tuấn Khang (Nhan Phúc Vinh), Nhật Minh (Hà Việt Dũng) và Duy Anh (Tuấn Tú). Tuấn Khang độc thân, bảnh bao, được ví như đứa trẻ to xác, láu cá, chưa trưởng thành, coi tình yêu là trò chơi.
Nhật Minh thuộc tuýp đàn ông khô khan, cứng nhắc, khó tính, không biết thể hiện tình cảm. Trong công việc, Nhật Minh khiến đồng nghiệp khó chịu ra mặt. Trong gia đình, Nhật Minh đối xử lạnh lùng với vợ - Lệ (Việt Hoa đóng).
Còn Duy Anh là người chồng nhẫn nhịn, chấp nhận từ bỏ sự nghiệp, ở nhà chăm sóc vun vén cho gia đình để vợ (Dung - Thúy An đóng) được thỏa sức với niềm đam mê kinh doanh.
Ba con người với ba hoàn cảnh, tính cách trái ngược nhưng rồi lại trở thành bạn bè.
Đàn ông nội trợ và đàn ông đào hoa
Nếu phải lựa chọn giữa Tuấn Khang, Nhật Minh, Duy Anh, phụ nữ sẽ chọn ai? Quả thực, không dễ để chọn bởi mỗi người đều có những điểm trừ, tính xấu cố hữu.
Song xét về hiệu ứng khán giả, Duy Anh có lẽ là nhân vật ít bị ghét nhất, đến lúc này. Duy Anh có trách nhiệm với gia đình, yêu thương vợ con và đặc biệt tâm lý với con gái. Khi con gái bước vào độ tuổi dậy thì, thay đổi tâm tính, ngày càng ương bướng, Duy Anh luôn tìm cách trò chuyện, chia sẻ. Thậm chí, anh lập một tài khoản mạng giả để làm bạn với con.
Chính vì vậy, Duy Anh, người đàn ông không lao ra ngoài kiếm tiền và hơi yếu đuối, vẫn được vợ nhắc đến bằng sự trân trọng. Trong lần nói chuyện với Lệ, Dung kể: "Khi Dương đi học mẫu giáo, ốm đau triền miên. Anh ấy xót con quá nên quyết định nghỉ việc. Anh Duy Anh không phải người bất tài, vô dụng. Địa vị, tiền bạc đối với anh ấy không khó. Anh ấy yêu vợ thương con nên bỏ qua tất cả cơ hội. Chị trân trọng và thấy hạnh phúc khi lấy được anh ấy".
Duy Anh, Nhật Minh và Tuấn Khang (từ trái qua phải) là 3 nhân vật chính của phim.
Tuấn Khang có sự nghiệp, ga lăng nhưng đào hoa, tính phũ, yêu đương chơi bời. Minh chứng cụ thể là cuộc tình chóng vánh với Vy (Quỳnh Kool). Khi mới đến công ty của Tuấn Khang xin việc, Vy tỏ ra cứng rắn, thông minh. Nhưng cuối cùng cô lại nhanh chóng sa vào lưới tình của sếp. Mối quan hệ giữa hai người chỉ vui trong thời gian ngắn.
Dần dần, Vy trở nên yếu đuối, bắt đầu nghi ngờ, kiểm soát Tuấn Khang. Vy muốn yêu nghiêm túc, ràng buộc nhưng Tuấn Khang thì không. Với anh chàng này, Vy cũng như bao cô gái khác - vui thì ở, hết vui thì chia tay. Tuấn Khang chủ động đề nghị kết thúc, khiến Vy sốc.
"Ngay từ đầu gặp anh, chắc em hiểu tính anh thế nào mà. Anh không thích hôn nhân. Đối với anh, em là cô gái tốt. Những lúc bên cạnh em, anh có cảm giác không kiểm soát được bản thân. Lúc chúng ta mới gặp thực sự rất vui chứ không ngột ngạt như bây giờ. Cho nên anh nghĩ đây chắc chắn không phải tình yêu", Tuấn Khang nói khi muốn dứt tình.
Lối sống tự do, phóng khoáng, bất cần của Tuấn Khang có thể không được nhiều người ủng hộ. Song Tuấn Khang lại chưa đến mức bị "ném đá" dữ dội.
Mẫu đàn ông gia trưởng gây ức chế
Nhân vật khiến khán giả cảm thấy ức chế nhất hiện nay là Nhật Minh. Dù là vợ chồng son, Nhật Minh gần như không có cử chỉ yêu thương ngọt ngào dành cho vợ. Anh quan niệm việc nhà, nội trợ thuộc về phụ nữ. Thói gia trưởng của Nhật Minh biểu hiện trong từng hành động, lời nói. Khi Lệ được thăng chức, công việc tốt hơn, Minh không những không chúc mừng vợ, mà còn khó chịu, bực bội.
Đến khi Minh bị đuổi việc, thất nghiệp, anh giấu vợ. Anh lại càng tức tối mỗi lần Lệ nhắc đến chuyện cơ quan. Khi Lệ kể được thưởng nóng, Minh cáu bẳn: "Có mỗi chức trưởng nhóm được người ta quý mà khoe suốt. Anh nói thật nhé, từ ngày em lên chức, em đã thành người phụ nữ đầy tham vọng rồi đấy, suốt ngày nói chuyện công việc, tiền bạc thôi".
Dung (ảnh phải) và Lệ đều có những tâm tư khi nói về chồng.
Minh còn trách ngược vợ: "Không bao giờ để ý đến cảm xúc của chồng". Đến khi Lệ nhận thấy chồng có những biểu hiện bất thường, hỏi han thì Minh giận dỗi, bỏ bữa cơm tối.
Lệ thường ngày vốn nhịn chồng, song lần này cô thất vọng. Lệ uống rượu say, tâm sự với Dung - người hàng xóm: "Lúc chưa cưới thì còn có tý lãng mạn. Nhưng cưới xong thì cay đắng lắm chị ạ".
Trên fanpage phim, đa số ý kiến bày tỏ bất bình với nhân vật. Khán giả Thanh Thúy chia sẻ: "Xem phim ức chế nhất là anh này, đã đi làm cả ngày về mệt còn càu nhàu, ích kỷ. Chị vợ mát tính thật".
Thành viên mạng tên Thảo bình luận:
"Xem phim thôi mà tăng xông quá. Vợ cũng đi làm mà về đến nhà vẫn phải cơm bưng nước rót phục vụ ông. Không hỏi thì kêu không quan tâm, hỏi thì kêu tra khảo. Sau một ngày đi làm về mệt mỏi, có chuyện vui hay buồn đều muốn chia sẻ với người mình yêu thương mà gặp phải mấy ông như này thì cũng trầm cảm".
"Ích kỷ, hẹp hòi, gia trưởng, chỉ biết mình mà không nghĩ cho vợ. Đến vợ mình mà còn sĩ diện. Hai vợ chồng không có tiếng nói chung, cũng chẳng bao giờ chia sẻ thì sống với nhau làm gì" - khán giả Phạm Hằng bày tỏ.
Một số ý kiến khác tỏ ra thông cảm cho Nhật Minh. Họ lý giải cách ứng xử của nhân vật này xuất phát từ sự tự ti. Bạn Ly Khanh nêu quan điểm: "Người này không biết ăn nói, cởi mở nên bị đồng nghiệp ghét, dẫn đến mệt mỏi, tự ti. Về nhà, vợ lại cũng hơn mình, nên thành ra bộc phát, đố kỵ".
Đến lúc này, điểm cộng của kịch bản Anh Có Phải Đàn Ông Không nằm ở chỗ dựng lên hình mẫu nhân vật gây tranh cãi nhưng chưa bị thổi phồng hay rời xa thực tế. Các tình huống ở mức vừa phải, gần gũi đời sống.
Một người chồng như Duy Anh hay Nhật Minh, ngoài đời đương nhiên có. Một người vợ giỏi giang và vẫn chấp nhận nhẫn nhịn như Lệ cũng không phải không tồn tại. Và khi những nhân vật điển hình này được đặt cạnh nhau, họ tạo nên bức tranh đời sống thu nhỏ.
Theo Zing