Quá trình điều tra, anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh khai báo về khoản tiền 2.500 tỷ đồng đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 6.700 khách hàng.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn đang mở rộng điều tra vụ anh em Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT) - Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc công ty CP địa ốc Alibaba) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dư luận đang rất quan tâm số tiền mà địa ốc Alibaba chiếm đoạt lên đến 2.500 tỷ đồng của 6.700 khách hàng đã đi đâu?
Ngay giai đoạn đầu điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong toả một số tài sản ngân hàng của công ty địa ốc Alibaba, của Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh. Về số tiền trong các tài khoản phong toả này, hiện cơ quan Công an chưa tiết lộ. Động thái này của Công an nhằm góp phần vào việc khắc phục hậu quả của vụ án.
CEO địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện có khai báo bước đầu về khoản tiền 2.500 tỷ đồng đã chiếm đoạt của khách hàng
Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc địa ốc Alibaba chỉ thực hiện theo chỉ đạo của anh trai Nguyễn Thái Luyện
Ngoài ra thời điểm bắt giữ Luyện, Lĩnh cũng như khám xét hàng loạt trụ sở, văn phòng giao dịch của công ty Alibaba và trụ sở các công ty con, cơ quan Công an đã thu giữ lượng tang vật khủng.
Theo thống kê số tang vật này gồm: 376 thùng tài liệu là những chứng từ sổ sách của Alibaba, các công ty con; hơn 9 tỷ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ô tô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất ở nhiều tỉnh, thành...
Nhưng nguồn thông tin từ cơ quan Công an tiết lộ, số tang vật tài sản thu giữ, số tiền trong các tài khoản ngân hàng… không đáng kể bao nhiêu so với số tiền 2.500 tỷ đồng mà Nguyễn Thái Luyện và bộ sậu Alibaba đã chiếm đoạt của khách hàng. Vậy phần lớn số tiền đó đã đi đâu? được sử dụng như thế nào?
Đường đi của nghìn tỷ chiếm đoạt
Nguồn thông tin cho hay, ngay khi bắt giữ anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, cơ quan Công an đã tập trung khai thác và 2 ông này bước đầu khai báo về đường đi của số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân.
Phần lớn tiền khách hàng đóng vào, ông Luyện chỉ đạo cho người thân, nhân viên thân tín dùng để mua đất nông nghiệp ở nhiều nơi và dùng chi trả lãi suất cho khách hàng. Bởi rất nhiều khách hàng hám lợi bị Alibaba đưa vào tròng kinh doanh bất động sản đa cấp.
Ban đầu, Alibaba mời chào khách hàng đầu tư mua đất với rất rẻ so với thị trường, mỗi lô có giá khoảng 300 - 400 triệu, tùy vị trí “dự án”. Tiếp đó, một trong các công ty con của Alibaba đứng ra ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng.
Tiền khách hàng đóng vào, Luyện chỉ đạo đi thu gom đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành để lập dự án ma, tiếp tục đưa khách hàng khác vào tròng
Trong đó thể hiện cụ thể số lô, diện tích ở “dự án” do Alibaba tự đặt. Trong hợp đồng này, công ty con của Alibaba yêu cầu khách hàng thanh toán làm 2 đợt. Đợt 1 là ngay sau ký hợp đồng (95% giá trị lô đất), đợt 2 thanh toán 5% giá trị lô đất và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với nhiều khách hàng trước đây, thời hạn công ty bàn giao đất là 12 tháng, còn gần đây chỉ còn 6 tháng.
Sau khi ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thanh toán tiền, khách hàng sẽ ký tiếp “hợp đồng quyền chọn” với Alibaba. Trong hợp đồng này, Alibaba đưa ra 4 phương án để khách hàng lựa chọn.
Một là, Alibaba thuê lại đất của khách hàng với giá thuê 2%/tháng trên tổng giá trị nền đất, thời gian thuê là 12 tháng, chỉ áp dụng cho các trường hợp thanh toán 95% giá trị nền đất.
Hai là, Aliabba mua lại của khách hàng với chênh lệch 30% sau 12 tháng.
Ba là, Alibaba mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng.
Và bốn là, thanh toán 50% và trả góp 3 triệu đồng/tháng, lãi suất 0% và Alibaba sẽ mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng, khi thanh toán đủ 95% giá trị nền đất.
Khách hàng sẽ nhận được lãi suất tương ứng với 1 trong các quyền chọn trên.
Một loại hợo đồng mà khách hàng phải ký với địa ốc Alibaba
Do đó, anh em Luyện - Lĩnh khai phần lớn tiền khách hàng đóng vào thì sử dụng để mua đất nông nghiệp vẽ "dự án ma" tiếp tục lừa người khác và để trả lãi cho các khách hàng tham gia vào sau. Ngoài ra có những khoản trích từ tiền khách hàng, Luyện sử dụng để dùng cá nhân, mua ô tô các loại để sử dụng nhằm tạo ra thanh thế, uy tín cho tên tuổi cá nhân và cho bộ sậu Alibaba.
CEO địa ốc Alibaba còn khai báo, dòng tiền khách hàng đóng vào luôn luôn phải… xoay vòng. Có phần để duy trì hoạt động của “tập đoàn”, lập ra hàng loạt chi nhánh, trả lương cho đội ngũ nhân viên để phục vụ cho việc kinh doanh, bán các dự án “ma”.
Hay như các khoản khác, mà điển hình là thưởng ô tô, các vật phẩm để khích lệ tinh thần nhân viên, thưởng tiền mặt cho nhân viên khi lôi kéo người khác tham gia vào, đều được bộ sậu Alibaba sử dụng từ khoản tiền chiếm đoạt của khách hàng.
Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện có xuất phát điểm là công ty có vốn “ảo” 100 triệu đồng. Chính thức giữa năm 2016, ông đã dựng nên địa ốc Alibaba kinh doanh mua bán, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp.
2.500 tỷ đồng chiếm đoạt được của khách hàng, địa ốc Alibaba đã trót đầu tư mua các lô đất nông nghiệp để vẽ dự án “ma”, hiện chưa bán được. Và có những khoản dùng để trả lãi cho khách hàng, để vận hành Alibaba và hệ thống các công ty con.
Khi Bộ Công an phong toả tài khoản mới đây, Luyện và các lãnh đạo Alibaba vẫn triển khai các dự án ma, lỳ lợm, bất chấp pháp luật. Theo Luyện, mục đích là tiếp tục đưa khách hàng vào tròng, để có dòng tiền… xoay vòng, chứ nếu không “đế chế” Alibaba sẽ… sụp đổ.
Theo Vietnamnet