Những ngày thu hoạch vụ Hè - Thu, người dân Nghệ An thường ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch lúa. Hình ảnh cánh đồng lúa như thảm vàng rực trải dài khắp đồng quê xứ Nghệ khi vào mùa là bức tranh hối hả mà đậm nét yên bình.
Màu lúa tượng trưng cho sự bình yên và no ấm, cây lúa cũng trở thành người bạn gần gũi, thân quen của người dân Việt Nam nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng. Người xứ Nghệ coi lúa như báu vật, lúa có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người dân Nghệ An.
Sau khi lúa chín công đoạn đầu tiên chính là gặt lúa, thông thường ngày xưa người dân sẽ gặt bằng tay, tuy nhiên hiện nay do áp dụng công nghệ kĩ thuật vào trồng trọt, vì thế nên đã giảm tải được thời gian và công sức của người dân bỏ ra.
Hình ảnh con trâu thong thả chở lúa về không còn xa lạ đối với bà con xứ Nghệ.
Một công đoạn không thể thiếu sau khi thu hoạch lúa xong, đó là dùng máy tuốt lúa để tách phần rơm và phần lúa ra. Chiếc máy tuốt là công cụ tân tiến giảm thiểu được bao nỗi vất vả của người dân hiện nay so với ngày xưa. Các cụ ngày xưa thường dùng tay đập lúa lên cối đá hoặc một vật gì đấy cứng, làm sao tách được hạt và rạ thành hai nơi.
"Để thực hiện được công đoạn này hầu như sẽ phải huy động hết tất cả những thành viên trong gia đình, ít nhất là từ 3 người trở lên thì mới nhanh chóng hoàn thành được, bởi vì máy sẽ đập lúa rất nhanh, người nông dân phải làm thoăn thoắt. Thường bố sẽ là người đảm nhiệm vị trí cho lúa vào, mẹ là người đảm nhiệm vị trí cho lúa ra sân, hoặc đóng vào "bì", còn tôi sẽ là người bê lúa để bố cho vào miệng máy tuốt"- bạn Nguyễn Thành Đạt chia sẻ.
Phơi lúa chính là công đoạn rất quan trọng, phải trải qua nhiều nắng thì vỏ hạt lúa mới khô, nếu vỏ lúa không khô, thì độ ẩm của hạt lúa cao và lúa sẽ nảy mầm. Vì thế trong gia đình ở làng quê xứ Nghệ, mọi người sẽ luân phiên nhau đi trở lúa vào những trưa nắng nóng.
Những hạt lúa vừa vàng vừa chắc là thành quả qua bao tháng ngày chăm bón, tuy mệt nhọc, bận rộn nhưng người dân xứ Nghệ vẫn tràn ngập niềm vui được mùa.
Không riêng gì đàn ông, phụ nữ cũng đảm đương công việc ngày mùa một cách thuần thục và chuyên nghiệp.
Sau khi tuốt lúa người nông dân sẽ ôm rơm mình vừa tách được đem đi phơi, rơm để dành làm thức ăn cho trâu bò và dự trữ để cho gia súc ăn qua mùa đông ở xứ Nghệ. Chính vì thế trong bài hát "Khúc hát sông quê" mới có câu "lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm". Chính mùi thơm của lúa, của rơm đã nuôi dưỡng bao tâm hồn người con xứ Nghệ.
Theo Dân Việt