NSND Hoàng Dũng tên thật là Hoàng Tiến Dũng, sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông đến với nghệ thuật hoàn toàn tình cờ, do sự ham vui của tuổi trẻ. Theo lời ông kể, trong thời gian chờ kết quả thi đại học, ông được những người bạn cùng khu phố rủ thi tuyển vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Đang lúc rỗi rãi, Hoàng Dũng theo chúng bạn cho biết, không ngờ đỗ thật. 


Cũng chính NSND Hoàng Dũng kể lại ông vào được trường là nhờ sự bảo lãnh của thầy giáo, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga. Lý lẽ để nghệ sĩ Huỳnh Nga thuyết phục ban giám hiệu là: “Đào tạo 100 kỹ sư, còn hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề này, cả khóa may ra trông chờ được một, hai em. Hoàng Dũng là một, hai em mà tôi đặt hy vọng”.


NSND Hoàng Dũng tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 1978 rồi về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội. Trên sân khấu kịch, ông được ví như một "con dao pha", nghĩa là anh có thể đảm đương nhiều vai diễn thuộc các thể loại khác nhau, vai hài, vai bi, vai chính, vai phụ... 


Nam nghệ sĩ dần chinh phục được khán giả bằng tài năng qua những vai diễn “nặng ký”: phó giám đốc Chính trong vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ "Tôi và chúng ta", Lãm trong "Hà Nội đêm trở gió", Hai Hùng trong "Ăn mày dĩ vãng", Cả Khoa trong "Cát bụi"...


Nhận xét về Hoàng Dũng, nghệ sĩ nhân dân Khắc Lợi nói: "Hoàng Dũng là một người biết trân trọng nghề nghiệp, làm việc rất nghiêm túc và sáng tạo".


Thời trẻ, NSND Hoàng Dũng từng có quãng thời gian chật vật với nghề. Từng tập trung vào việc buôn bán để kiếm tiền lo cho gia đình, nhưng sau đó người nghệ sĩ này đã nhận ra rằng: "Mình sinh ra để làm nghề và nếu được đánh đổi giữa làm nghề với một cuộc sống thật sung túc, mình sẽ chọn làm nghề".


Ít ai biết rằng, cách đây 24 năm, NSND Hoàng Dũng cũng đã từng là một người phán xử tài tình. Đó là vai quan Đăng trong series "Cổ tích Việt Nam" tập 6, phim "Xét xử tài tình". Trong bộ phim này, ông đảm nhiệm vai quan Đăng – được cho là dựa trên nguyên mẫu Nguyễn Khoa Đăng, một công thần thời chúa Nguyễn Phúc Chu trong lịch sử Việt Nam. Đây là vị quan có tài xử kiện cáo, đủ trí xét ngay gian, cho nên được người đời gọi là "Bao công". 


Ông từng giữ nhiều cương vị như Giám đốc nhà hát kịch Hà Nội, ủy viên ban chấp hành, ủy viên Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, ủy viên Hội đồng nghệ thuật của thành phố Hà Nội. Với những đóng góp của mình, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2007.


Mặc dù đã nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng 1/2017, nhưng NSND Hoàng Dũng bảo rằng, với ông, lao động nghệ thuật thì không có tuổi nghỉ hưu. Ông vẫn nhận những vai diễn nếu cảm thấy hay và dồn tâm huyết để đào tạo những nghệ sĩ trẻ đi theo con đường nghệ thuật.


Ông từng tâm sự: "Nghỉ hưu nhưng công việc của tôi không giảm đi. Tôi vẫn đi đóng phim, vẫn giảng dạy và thực hiện các dự án khác. Có chăng là bớt đi được phần ký kết, ra quyết định và làm các loại giấy tờ. Cảm thấy có phần nào đó thảnh thơi, đỡ áp lực hơn".


Sau nhiều năm gắn bó với nghệ thuật và công tác đào tạo, NSND Hoàng Dũng có khá nhiều học trò thành danh. Trong đó có nhiều diễn viên đang rất được khán giả yêu mến hiện nay như Hồng Đăng, Việt Anh đều một thời được ông tận tình dìu dắt. 


NSND Hoàng Dũng tham gia phim truyền hình "Người phán xử" vào năm cuối ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Mặc dù rất bận nhưng ông vẫn cố gắng tham gia vì vai diễn này thực sự nặng ký. Tâm huyết của ông đã được đền đáp khi vai diễn Phan Quân đã để lại ấn tượng rất mạnh mẽ trong lòng khán giả.


Với nhân vật Phan Quân trong phim “Người phán xử", NSND Hoàng Dũng từng tâm sự, cái khó lớn nhất của vai diễn này chính là phải làm sao để tạo ra một ông trùm “Bố già” phiên bản Việt. Và sau 33 tập phim, ai cũng phải công nhận một điều, Phan Quân của ông không hề giống với bất kỳ một nhân vật nào với nét riêng được thể hiện qua diễn xuất thực lực.


Cách đây 24 năm, NSND Hoàng Dũng cũng từng vào vai "người phán xử". Clip: VGAG.

Trúc An
Theo Vietnamnet