Hành trình chết đi sống lại

- Trong một năm điều trị ung thư, đâu là khoảng thời gian đáng sợ nhất với anh?

Đó là lần đầu tiên vào thuốc hóa trị ở Trung Quốc. Ban đầu, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ khỏe mạnh, đi lại bình thường chứ không ngờ lại mệt mỏi đến thế. Ngày về nước, tôi không thể đứng vững. Nghĩ lại con đường từ bệnh viện ở Quảng Châu ra sân bay và về đến nhà, tôi vẫn không hiểu tại sao mình có thể vượt qua được.

Từ sau ca phẫu thuật tim hồi lớp 5, tôi mắc chứng đau nửa đầu và mỗi lần đau đầu đều bị khó thở và buồn nôn, nếu không nôn thì không thở được còn nôn thì cơ thể cứ run lên cầm cập.

Hôm ấy, tác dụng phụ của hóa chất cộng với chứng đau nửa đầu cùng lúc ập tới, khiến tôi thấy thời gian về nhà sao mà dài quá. Từ lúc rời bệnh viện về đến nhà, tôi đau đầu 5-6 lần, nôn 4-5 lần, người vừa đau vừa run lên. Ngồi trên máy bay, thay đổi áp suất không khí và điều hòa lạnh khiến tôi không thở được, hệt như một kẻ sắp chết mà càng nôn càng mệt.

Tôi không thể diễn tả được cảm giác đau đầu như thế nào nhưng nó chẳng khác gì chết đi sống lại.

Sau một ngày từ sáng đến đêm chỉ có đau đầu và nôn, tôi bắt đầu sợ bệnh này. Lúc ấy tôi nghĩ mình có thể chết sớm và nhận ra chữa bệnh cũng đáng sợ lắm.

Anh Vũ: Nhờ ung thư, tôi nhận ra nhiều thứ-1
Anh Vũ trên giường bệnh.

- Thế còn lúc nhận kết quả mình bị bệnh thì sao?

Lúc đó tôi còn nhởn nhơ lắm, chẳng nghĩ gì đâu. Người nhà lúc ấy rất buồn còn tôi thì không, chỉ nghĩ "À, thế là mình mắc bệnh nan y rồi". Dần dần, càng tìm hiểu tôi mới càng sợ, đầu tôi cứ luẩn quẩn nhiều câu hỏi: "Lấy tiền đâu ra mà chữa?", "Mình chưa có nhiều tích lũy, mẹ sẽ phải gánh sao đây?", "Sau này mẹ già thì ai sẽ ở với bà?", "Nhỡ mình mất sớm thì sẽ ra sao?"... Nói chung là nhiều thứ lắm.

Tìm hiểu trên mạng, tôi mới biết bệnh này khi trở nặng sẽ rất đau đớn, quá trình chữa trị cũng rất đáng sợ. Vì thế, tôi ban đầu định không chữa nữa, muốn đến đâu thì đến. Thế nhưng, khi một người bạn bảo nhiều bệnh nhân cũng buông xuôi như thế rồi lại phải hối hận, tôi mới suy nghĩ lại và quyết định chiến đấu với nó.

- Anh đã trải qua quá trình điều trị ra sao?

Đầu năm 2019, tôi đi kiểm tra thì được bác sĩ chẩn đoán bị u tinh hoàn. Sau khi cắt bỏ u và làm sinh thiết, kết quả cho thấy tôi bị ung thư hỗn hợp giai đoạn bốn. Lúc ấy, tế bào ung thư vẫn chưa di căn. Thế nhưng, đến tháng 9/2019, khi sang Trung Quốc điều trị, các bác sĩ lại phát hiện thêm một u có đường kính 5 cm và một số hạch nhỏ ở phổi.

Đến tháng 11/2019 thì tiếp tục phát hiện tế bào ung thư đã di căn. Các bác sĩ yêu cầu tôi thực hiện 6 đợt điều trị. May mắn là tôi hợp thuốc, kết thúc lần thứ 2 đã thấy u giảm hẳn, tình hình tiến triển tích cực. Do ảnh hưởng của Covid-19, tôi không thể sang Trung Quốc nên đã điều trị hai lần cuối ở viện E. Các bác sĩ trong nước đã làm việc với các bác sĩ ở Trung Quốc và áp dụng nghiêm ngặt phác đồ ban đầu để có được kết quả tốt nhất.

Sau 6 đợt điều trị, khối u đã hoàn toàn biến mất. Tôi thấy mình giờ hoàn toàn như người bình thường, chỉ là không khỏe bằng ngày xưa thôi. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình gặp nhiều may mắn, nhất là được đưa đi khám sớm và sữa bệnh sớm.

- Ngoài những đau đớn về thể xác, đâu là điều anh sợ nhất?

Sự căng thẳng, đau đớn từ những lần vào thuốc khiến tôi mắc chứng sợ bác sĩ. Sáng sáng, chỉ cần nghe thấy tiếng xe đẩy của y tá đến thử máu và truyền thuốc thì tôi đang ngủ cũng tỉnh dậy, tim đập thình thịch không thể kiểm soát được. Tôi chẳng nghĩ gì cả nhưng không hiểu sao cứ nghe thấy tiếng ấy là cả người gồng cứng, run rẩy vì sợ.

Anh Vũ: Nhờ ung thư, tôi nhận ra nhiều thứ-2
Anh Vũ trong thời gian điều trị ung thư tại viện E (Hà Nội) đầu năm 2020.

- Ai là người đồng hành với anh nhiều nhất trong quá trình trị bệnh?

Từ khi bị bệnh, tôi lúc nào cũng có mẹ ở bên. Bà đi cùng tôi sang Trung Quốc, ngày ngày túc trực ở bệnh viện và nấu nướng, tẩm bổ để tôi có sức chữa bệnh. Lúc ấy, tôi chỉ nằm một chỗ thôi còn mẹ làm tất cả.

- Còn bạn gái của anh thì sao?

Vì điều kiện không cho phép nên bạn ấy chỉ có thể đi với tôi 1-2 lần. Thế nhưng, mỗi khi tôi được đưa về nhà, bạn ấy lúc nào cũng chăm từ đầu đến cuối, chẳng nề hà việc gì. Bạn gái chăm tôi như mẹ tôi ấy (cười).

Khi biết mình bệnh, tôi không nghĩ cô ấy ở lại với mình như thế. Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng sẽ chẳng ai tình nguyện đến với những người bệnh nan y như mình. Nếu là tôi, tôi cũng phải suy nghĩ lại. Ấy thế mà cô ấy không từ bỏ, vẫn ở bên chăm sóc tôi tận tình. Thấy cô ấy quá khổ khi chăm sóc mình, tôi đòi chia tay nhưng cô ấy nhất định không chịu.

- Bạn gái giúp anh như thế nào trong quá trình điều trị?

Bạn gái chính là người phát hiện ra tôi có hạch, giục giã tôi phải đi khám. Vì có bố, mẹ và bà bị ung thư nên cô ấy có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Từ lúc tôi phẫu thuật đến lúc phát hiện có hạch ở ngực, gia đình tôi vẫn mông lung lắm, chẳng biết làm gì cả nhưng cô ấy thì tìm hiểu mọi thứ để đưa ra phương án tốt nhất, chỉ cho gia đình tôi mọi đường đi nước bước. Tôi thì chần chừ nhưng cô ấy bắt phải đi Trung Quốc ngay. Nếu tôi cứ chần chừ mãi, chờ thêm 6-7 tháng nữa thì chắc là đã không kịp nữa rồi.

Anh Vũ: Nhờ ung thư, tôi nhận ra nhiều thứ-3
Anh Vũ hẹn ước với bạn gái trước khi cô sang Mỹ du học.

- Sau biến cố này, tình cảm của hai người gắn bó thế nào?

Tôi quen cô ấy gần một năm trước khi phát hiện bệnh. Ngày xưa, tôi chưa suy nghĩ nhiều cho cô ấy, còn cô ấy luôn là người nghĩ cho tôi nhiều hơn. Nhưng từ ngày trải qua biến cố và chứng kiến những gì cô ấy dành cho mình, tôi đã thay đổi. Tôi chăm sóc, chú ý cô ấy nhiều hơn. Chúng tôi ngày càng yêu thương nhau hơn. Cô ấy hiện ở Mỹ du học nhưng luôn ủng hộ mọi điều tôi làm, chỉ dặn dò tôi cẩn thận để bảo vệ sức khỏe.

Tôi thấy may mắn khi có người yêu và mẹ chăm sóc tận tình cùng những bạn tốt luôn ở bên mình. Đó cũng là động lực để tôi chữa bệnh và luôn cảm nhận sự yêu thương và tình cảm mọi người dành cho mình. Hấp thụ được những điều tích cực đó giúp tôi duy trì được tinh thần lạc quan.

Anh Vũ: Nhờ ung thư, tôi nhận ra nhiều thứ-4
Anh Vũ thử đồ cho show kỷ niệm 5 làm nghề của NTK Thảo Nguyễn.

"Bị ung thư thì cũng phải sống chứ"

- Tinh thần lạc quan đóng vai trò thế nào trong việc chữa trị ung thư của anh?

Ai nhìn tôi bây giờ cũng bảo lạc quan nhưng trong lúc trị bệnh, tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm, không thể lúc nào cũng lạc quan được. Đây là bệnh nan y và việc chữa trị chẳng khác nào truyền thuốc độc vào người. Nó tàn phá hết mọi thứ, kể cả tâm lý.

Đã có lúc tôi chán chường, chỉ nằm im trên giường bệnh, nhìn vô thức vào điện thoại cho qua ngày, chẳng chịu vận động và cũng chẳng chịu ra ngoài. Bác sĩ dặn phải uống nhiều nước, tôi cũng chẳng buồn uống. Cảm giác mệt mỏi khi tiêu hóa, ngửi thấy đồ ăn cũng thấy buồn nôn khiến tôi chẳng thiết tha ăn uống gì.

Trong quá trình chữa bệnh, tôi gặp nhiều người cũng bị nặng như mình nhưng vẫn cố gắng đến cùng, trong đó có một chị mắc ung thư cổ tử cung nặng, bị bệnh viện trả về.

Trong khi gia đình ai cũng khóc thì chị bảo: "Tại sao lại phải buồn nhỉ, sống được ngày nào hay ngày đấy" rồi vui vẻ ăn hết bát mì. Sau đó 2-3 ngày, chị ra đi. Câu chuyện ấy khiến tôi thay đổi. Đã mắc bệnh nan y rồi, giờ chỉ có hai lựa chọn - một là ủ rũ, tốn thời gian buồn rầu cho mệt thêm; hai là tích cực, làm cho khoảng thời gian còn lại ý nghĩa hơn.

Đằng nào cũng như thế rồi, thay vì tiêu cực thì hãy tích cực để khi nhìn lại, sẽ thấy mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa. Từ đó, tôi lúc nào cũng dùng suy nghĩ ấy để chỉnh đốn bản thân. Những lúc tinh thần trùng xuống và bắt đầu đầu suy nghĩ tiêu cực, tôi lại nhắc nhở bản thân phải tích cực hơn.

- Suy nghĩ tích cực tạo nên những thay đổi thế nào với anh?

Tôi cảm nhận được sự thay đổi ngay từ ngày đầu tiên suy nghĩ và áp dụng như thế. Những ngày ở bệnh viện, thay vì nằm một chỗ, tôi đi bộ loanh quanh cho thoáng, ngắm cái này cái kia để thoát khỏi 4 bức tường và suy nghĩ tiêu cực.

Tôi bắt đầu tập thể dục, ngồi thiền và nghĩ về những thứ mình muốn làm hoặc chưa từng làm. Từ đó, tôi cũng chịu khó ăn uống nhiều hơn. Nếu buồn nôn, tôi cứ nhắm mắt để tập trung tinh thần mà nuốt. Dần dần, tôi thấy mình khỏe lên.

Ngày trước, mặt tôi lúc nào cũng ủ rũ nhưng bây giờ thì nhiều người chẳng tin tôi bị bệnh. Thằng bạn thân còn trêu tôi rằng chẳng có bệnh nhân ung thư nào tay to hơn đầu như mày (cười). Suy nghĩ tích cực khiến tôi không còn nghĩ mình đang bệnh. Tôi học cách không nghĩ nhiều cho đỡ mệt mỏi vì ung thư thì cũng vẫn phải sống chứ.

Anh Vũ: Nhờ ung thư, tôi nhận ra nhiều thứ-5
Anh Vũ sánh bước bên Hương Ly trong show của NTK Thảo Nguyễn hôm 18/7.

- Sau thời gian trị bệnh, anh đầu tư thời gian cho những việc gì?

Tôi đã suy nghĩ đến những việc có thể làm cho thời gian của mình ý nghĩa hơn và quyết định học tiếng Anh, học chơi guitar, đọc sách và tìm hiểu về bất kỳ thứ gì mình chưa biết.

Khi kết thúc việc điều trị tại bệnh viện, tôi bắt đầu học lại tiếng Anh bằng cách làm các bài thi IELTS trên mạng. Ngày nào tôi cũng làm, ngày nào lười thì một đề, chăm thì 2-3.

Hôm nào tức vì bị điểm kém, tôi làm hẳn 5 bài (cười). Cũng có những buổi sáng thức dậy, tôi thấy mệt quá và tự bảo "Hay là hôm nay nghỉ nhỉ" nhưng rồi lại tự động viên cứ làm một bài đi rồi mới thay đổi được.

Sau gần bốn tháng, những bài thi đọc và nghe của tôi tiến bộ rõ rệt. Nếu như bài thi đầu tiên chỉ được 4.5 - 5.5 thì nay đã là 7 - 7.5. Hai kỹ năng nói và viết thì không có ai chấm điểm nên tôi không biết mình đã tiến bộ đến đâu (cười).

Ngoài tiếng Anh, tôi còn mượn đàn của bạn rồi mày mò tự học bằng Youtube và chăm chỉ đọc sách. Tôi thích đọc về tâm lý học, dinh dưỡng và hoạt động của cơ và khớp để phục vụ cho công việc huấn luyện viên thể hình. Bên cạnh đó, tôi sẽ đọc về bất kỳ thứ gì nảy ra trong đầu mà mình chưa có nhiều kiến thức về nó.

- Sau show diễn kỷ niệm 5 năm của NTK Thảo Nguyễn, anh có kế hoạch gì với nghề người mẫu?

Đó là show diễn đầu tiên của tôi sau gần một năm tạm nghỉ chữa bệnh. Tôi thích đi diễn lắm nên chỉ cần có show là sẽ đi ngay, chỉ tránh những chương trình đòi hỏi phải đi quá xa hoặc đứng quá lâu dưới nắng vì không tốt cho sức khỏe thôi.

Ngoài đi diễn, tôi còn làm huấn luyện viên thể hình (PT). Các khách cũ chưa ai bỏ đi, phần vì thương tôi, phần vì những kiến thức tôi truyền đạt giúp họ luyện tập hiệu quả. Tôi sẽ phát triển song song cả hai công việc làm mẫu và PT.

- Anh vừa khỏi bệnh đã tích cực đi làm, lý do liên quan gì đến áp lực kinh tế?

Tôi đi làm vừa vì áp lực kinh tế vừa vì thích. Ở nhà mãi lo lắm, vừa không có tiền vừa có cảm giác bị bạn đồng trang lứa bỏ rơi. Tôi không muốn thụt lùi.

Theo Ngoisao.net