Hãng Reuters hôm 13/4 đưa tin, Việt Nam ghi nhận 265 ca nhiễm Covid-19 và vẫn chưa có ca tử vong nào liên quan tới dịch bệnh này. Từ 1/4, Việt Nam áp dụng cách ly toàn xã hội trong 15 ngày để chống dịch. Các cửa hàng, doanh nghiệp không thiết yếu tạm đóng cửa và nhiều người tạm thời dừng công việc.
Chồng của chị Nguyen Thi Ly, 34 tuổi, là một trong số đó, theo hãng thông tấn Anh.
"Máy ATM gạo này thực sự rất hữu ích. Với một túi gạo, chúng tôi có lương thực đủ cho cả ngày. Giờ chúng tôi chỉ cần kiếm các món ăn khác. Những người hàng xóm đôi khi giúp đỡ gia đình tôi một chút thực phẩm", chị Ly, một người dân khó khăn, có 3 con, chia sẻ.
"ATM gạo" sẽ phân phối gạo từ một thùng chứa vào mỗi túi (mỗi lần nhấn nút là 1,5 kg) cho những người lao động xếp hàng (giữ khoảng cách an toàn 2m) - hầu hết là những người bán hàng rong hoặc người nghèo kiếm sống từ các công việc như lao công hay bán vé số.
Người dân tới lấy gạo ở "ATM gạo". Ảnh: Reuters
Ông Hoang Tuan Anh chính là doanh nhân có ý tưởng và thực hiện mô hình "ATM gạo".
"Tôi gọi chiếc máy này là 'ATM gạo' vì mọi người có thể tới rút (lấy) gạo từ nó gần giống cách người ta tới máy ATM để rút tiền. Và đây cũng là hành động để mọi người hiểu rằng xã hội vẫn còn nhiều người tốt", Reuters dẫn lời "cha đẻ" của "ATM gạo".
"Tôi biết được thông tin về máy 'ATM gạo' qua mạng và tới để xem liệu nó có thật hay không. Thật không thể tin những gì tôi thấy. Tôi hy vọng các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ người nghèo chúng tôi để vượt qua dịch bệnh này", chị Ly chia sẻ.
Nhiều máy "ATM gạo" đã được nhân bản và đặt tại các thành phố lớn khác ở Việt Nam như Hà Nội, Huế hay Đà Nẵng.
Ngoài các hoạt động của những nhà hảo tâm, hãng Reuters còn đưa tin, chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nhất từ dịch Covid-19, giúp họ đảm bảo cuộc sống.
Theo Dân Việt