Với trả lời của bà Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương – điểm xuất phát những tranh cãi, thậm chí là đau lòng, của những người làm mẹ (từ clip cho rằng bảo vệ bệnh viện này đã ngăn cản xe cứu thương vào đón cháu bé) – theo thuật ngữ ngành y là “bị trả về” - đã gây ra nhiều trăn trở.

Báo chí thuật lại, sau clip đầu tiên của sự việc, bà Hương đã đăng đàn trả lời và nhận định "một số thông tin trên mạng là chưa chính xác, chưa phản ánh đầy đủ toàn bộ nội dung và bản chất sự việc” và  khẳng định “không có việc bảo vệ ngăn cản xe ô tô cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân mà các mạng xã hội đang lan truyền”.

Vài ngày sau phát biểu của bà Phó giám đốc Hương, thì ngay sau đó, đích thân Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải cảm thán rằng ông “thấy phẫn nộ” khi clip thứ hai bị đăng tải. Nhiều tờ báo đăng lại clip trên mạng xã hội và dùng tựa “người phụ nữ liên tục gào khóc và bức xúc nói việc bảo vệ không cho đưa xe chở cháu bé ra”. Clip này cho thấy hình ảnh một người phụ nữ đang gào khóc, trong chiếc xe cấp cứu biển kiểm soát 37 của tỉnh Nghệ An là người đàn ông mặc áo blu trắng đang bóp dụng cụ y tế để kéo dài sự sống cho cháu bé.


Mẹ bệnh nhi D. khóc lóc khi bảo vệ không cho xe cấp cứu ra khỏi viện


Nhìn hình ảnh một thân thể non nớt nằm lọt thỏm trên băng ca, bất động, khó ai có thể kìm lòng. Bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của cháu, nhưng người lành lặn có chịu chia sẻ với nỗi đau không đáng có của một em bé như vậy không? Chiếc xe cứu thương vẫn đứng đó, quanh nó là sự hiếu kỳ, sự phẫn nộ, sự bất lực của những người xung quanh. Không ai giúp gì được cho cháu để về quê nhanh hơn.

Nhân thân người phụ nữ này, có thể là mẹ cháu bé, có thể là cô, có thể là dì, và cũng rất có thể là một người dân bình thường khi chứng kiến sự việc đã đau đớn nên bộc lộ cảm xúc như vậy.

Và để đi tìm sự thật, nhiều phóng viên đã về tận nơi và biết được danh tính của người đàn bà đứng trong khuôn viên bệnh viện, quanh quẩn cạnh chiếc xe cấp cứu là mẹ của cháu bé, chị Hoàng Thị Soa. Phút sinh ly tử biệt, thực lòng, trong muôn sự rối bời bà cũng chẳng được một chút yên thân, ngay cả việc thu xếp đưa cháu bé về trút hơi thở cuối cùng ở mảnh đất mà cháu được chôn nhau cắt rốn cũng không được toại nguyện.

Nói với báo Dân trí, bà Soa cho biết khi con bà chưa xuất viện thì đã có người lạ gọi vào điện thoại của mình và “báo giá” vận chuyển con bà về quê là 7 triệu đồng kèm theo y tá và bình thở.

Nông dân nghèo, con bệnh tật đã lấy đi những đồng tiền ít ỏi của người phụ nữ kham khổ, và bà phải có lựa chọn hợp lý hơn là thuê xe khác với giá chỉ khoảng 2 triệu đồng của Nghệ An.

Ngoài lòng trắc ẩn, thì dư luận đang đòi hỏi sự công bằng, tìm cho ra nhẽ dấu hiệu bảo kê của những chiếc xe chở bệnh nhân hàng ngày đang quanh quẩn ở khu vực bệnh viện này.

Trong cái đau đớn tột cùng, đứng trước cảnh mất con, nhưng vì cái khó, cả khổ mà bà Soa phải từ chối mặc cả để lựa chọn cho xe cứu thương giá rẻ hơn. Bà Hương cũng là mẹ, và bà Hương có thể sẽ có cuộc sống khá giả hơn nên có thể ở một phút giây nào đó, bà chưa đứng vào vị trí của những thân nhân người bệnh như bà Soa để biết được sự cùng cực và giằng xé của một người mẹ thôn quê như thế nào?.

Khoan hãy vội đấu lý với anh lái xe cứu thương, hãy nhìn vào giọt nước mắt cùng cực, sự bất lực của người mẹ trên chiếc xe màu trắng đang nằm bất động ngay trong khuôn viên bệnh viện của bà.

Theo Antt