Từ sự lạc quan của người mẹ…

Khi con bắt đầu đi học, chị Thu Hương nghĩ đơn giản lắm! Chị xin cho con học thêm tại nhà cô giáo với hi vọng để con nghe quen tai. Nhưng sau vài tháng, con không tiến bộ vì trên lớp chú trọng nhiều đến ngữ pháp. Chị quyết định xin nghỉ để tìm phương pháp học khác.

Thu nhập của cả gia đình Mai dựa hoàn toàn vào cửa hàng tạp hoá nhỏ. Nhưng theo lời bà ngoại em, bán cũng chẳng được mấy. “Bây giờ trong làng nhà nhà mở hàng tạp hoá. Thi thoảng người dân xung quanh cũng sang mua chai mắm, gói đường. Nhưng mắm thì cả tháng mới hết”. Vì thế, với khoản thu chưa đầy 2 triệu đồng, để Mai theo học tại các trung tâm hay khóa học đắt tiền là điều không thể.

Nghĩ vậy, chị Hương dồn hết khoản tích góp từ thời “đi nhận may gia công cho người ta” để mua một chiếc laptop với giá 10 triệu đồng. Chị lần mò tìm kiếm thông tin trên mạng với mong muốn tìm ra phương pháp học hiệu quả.

Bà mẹ nông dân dạy con bắn tiếng Anh như gió-1
Mẹ Mai luôn là người đồng hành cùng em trên hành trình chinh phục ngôn ngữ mới

Từ đó, chị dành toàn bộ thời gian để cùng con chinh phục ngôn ngữ mới. Lớp học nhỏ của hai mẹ con chính là chiếc giường, còn bảng là những tấm gỗ chắn ngăn cách giữa giường và bếp. Trong không gian rộng chừng 27m2, đâu đâu cũng chi chít từ mới và ngữ pháp. Chị hồ hởi khoe: “Có gì không biết cứ hỏi “ông máy tính” là ra ngay mà”.

Nhiều người thắc mắc:Kiếm ăn còn không đủ thì thời gian đâu mà dạy con học?”. Câu hỏi ấy chị Hương đã nghe nhiều thành quen. Khi ấy, chị chỉ cười mà nói “Thà ăn ít đi một chút, quần áo có thể mặc quanh năm, nhưng tri thức cần phải bồi đắp hàng ngày”.

Đến hướng đi vững chắc

Nói thì dễ, nhưng với người một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết như chị, để dạy con thì cái gì cũng phải hỏi, phải học. Sáng sáng, khi con lên lớp, chị cũng ở nhà bật máy tính lên luyện phát âm. Buổi trưa, khi con về, hai mẹ con lại cùng nhau tập nói.

“Đến khi con học nhanh hơn mẹ, mình đành phải quay các clip để nhờ bạn bè facebook chỉnh sửa hộ”. Cứ thế, ròng rã từ lúc còn ê a vài câu tiếng Anh vỡ lòng, đến giờ Mai đã giao tiếp thông thạo và có vốn từ vựng tốt.

Chị Hương quan niệm, vật chất có thể thiếu nhưng kiến thức không bao giờ là đủ. Ngay khi con bắt đầu tiếp cận với ngôn ngữ mới, chị đã dành 1 triệu đồng để mua sách học tiếng Anh. Số tiền ấy với chị bấy giờ là hơn nửa tháng sinh hoạt cho cả 3 người trong nhà.

Trong quá trình học, chị luôn đặt ra cho con quy tắc: một ngày phải đọc ít nhất 30 phút. “Khi mình là người không biết và con là người bắt đầu, khó khăn nhất vẫn là tìm hướng đi hiệu quả” – chị Hương chia sẻ.

Giống như một đứa trẻ bắt đầu học tiếng Việt cần phải luyện nói và luyện đọc thật nhiều, chị cũng cho con đọc hàng ngày với các chủ đề trong chương trình trên phần mềm học tiếng Anh. “Khi đọc càng nhiều vốn từ vựng của con càng cao. Mình không đòi hỏi con phải biết nghĩa tiếng Việt của từ đó là gì. Nhờ vậy, con có thể tư duy tiếng Anh rất tốt”.

Bà mẹ nông dân dạy con bắn tiếng Anh như gió-2
Trong không gian rộng chừng 27m2 đâu đâu cũng chi chít từ mới, ngữ pháp

Để con “quen tai”, trước khi ngủ dậy, khi con đi học về hay lúc ăn cơm…, chị Hương thường bật sẵn các bài nghe hoặc bài hát tiếng Anh. Chị bảo: “Mình mong muốn con luôn sống trong ngôn ngữ mà con đang theo học. Cứ thế mình cho con “tắm” trong Tiếng Anh ngay từ khi con mới bắt đầu học những chữ đơn giản như “Hi”, “Hello”...”.

Còn bà ngoại Mai thì kể “Mẹ con nó cứ nghe tiếng Anh ngày này qua tháng nọ. Nghe riết rồi bà cũng quen tai theo. Cuối tuần nào hai mẹ con dắt nhau lên Bãi Đính thì nhà lại thấy thiếu thiếu”.

Lớp học của Mai bây giờ không dừng lại ở 8m2 giường kề bếp nữa mà trải rộng khắp Bái Đính, Hàng Bụt… Người đồng hành cùng em vẫn là mẹ với chiếc balo đựng mì tôm, lương khô, áo mưa, chai nước. Hai mẹ con cứ thế lang thang đi hết các thắng cảnh để Mai có cơ hội được nói chuyện với người nước ngoài.

Nhiều người cũng ngỏ ý trả tiền tip nhưng chị Hương đều từ chối. Chị bảo “Nhìn con có thể giao tiếp tự nhiên, sử dụng từ vựng linh hoạt, mình biết mình đang đi đúng hướng”.

Theo Vietnamnet