Sự việc dưới góc độ luật sư

Như đã đưa tin, vào ngày 22/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng.

Sự việc này đồng nghĩa, bà Phương Hằng đã bị 2 Cơ quan CSĐT ở 2 địa phương khác nhau khởi tố vụ án về cùng một tội danh. 

Trao đổi với PV,  Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã có những chia sẻ cụ thể dưới góc độ luật sư về vấn đề thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự và trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với bà Hằng.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị 2 tỉnh cùng khởi tố 1 tội danh, luật sư nói gì?-1
Bà Phương Hằng khi bị bắt.

Thứ nhất, về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ các vụ việc do các cơ quan đặc biệt được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Do đó, nếu quá trình phát hiện và điều tra mà phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Thứ hai, về thẩm quyền tiến hành điều tra. Theo tinh thần và bản chất của các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì Cơ quan CSĐT sẽ tiến hành khởi tố các vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của mình, đây là vấn đề dễ hiểu.

Tuy nhiên vấn đề trở nên phức tạp khi hành vi vi phạm có thể diễn ra tại nhiều nơi, trong nhiều khoảng thời gian hoặc thậm chí diễn ra trên không gian mạng. 

Cụ thể, về các hành vi bà Phương Hằng, bà đã thực hiện việc đặt tên người cho chó, ngựa đua tại khu du lịch Đại Nam, có địa chỉ tại Bình Dương, thực hiện hành vi mang tính chất xuyên tạc, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng, cụ thể là các buổi phát trực tiếp trên Facebook và Youtube.

Có thể thấy, đây là các hành vi dàn trải, diễn ra trên không gian rộng, do đó, việc tiến hành điều tra và truy tố cũng cần sự phối hợp giữa các Cơ quan CSĐT trên nhiều địa bàn.

Cụ thể, căn cứ theo Khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Bà Phương Hằng đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở cả TP. HCM và Bình Dương, nên để đảm bảo khả năng phối hợp và làm rõ sự thật của toàn bộ vụ án, các Cơ quan CSĐT tại các tỉnh hoàn toàn có thể phối hợp điều tra và khởi tố vụ án trong phạm vi thẩm quyền và tài liệu, chứng cứ thu thập được. 

Xử lí như thế nào?

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và chứng cứ thu thập được tại các địa bàn mà bà Phương Hằng thực hiện tội phạm, trong quá trình truy tố khởi tố và chuẩn bị xét xử, việc nhập vụ án có thể diễn ra nhằm đánh giá, xem xét vụ án một cách toàn diện, đầy đủ và thống nhất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử và thi hành án.

Đối chiếu với những hành vi của bà Hằng trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2021 đến nay, bà Hằng đã thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng, bóc phốt, nhục mạ nhiều nghệ sĩ, nhà báo, tố cáo sai sự thật về hành vi ăn chặn tiền từ thiện của các nghệ sĩ, ca sĩ.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị 2 tỉnh cùng khởi tố 1 tội danh, luật sư nói gì?-2

Hơn nữa, bà Hằng còn sử dụng tên của những người nổi tiếng đang có mâu thuẫn với mình để gọi tên động vật trong buổi tổ chức đua ngựa, chó.

Như vậy, mọi hành vi nói trên của bà Hằng luôn vượt quá giới hạn cho phép của quyền tự do ngôn luận, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị cơ quan điều tra TP.HCM và cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương cùng khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể sẽ nhập vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra.

Việc nhập vụ án hình sự giúp cho công tác điều tra thuận lợi hơn và đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự. Theo đó, khung hình phạt mà bà Hằng có thể sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 2 đến 7 năm. 

​​​​Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ các hành vi khác của nữ doanh nhân trong thời gian qua, đồng thời xác minh, giải quyết nội dung tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng đối với các tội danh như: vu khống, làm nhục người khác…

Nếu có căn cứ, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố và tiến hành xử lý về các tội danh nói trên đối với bà Hằng.

Luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh, theo quy định của Bộ luật hình sự, mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

Vì vậy, tất cả những hành vi vượt quá giới hạn quyền tự do ngôn luận, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự và nhận thức của người dân sẽ bị xử lý thật nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh và răn đe của pháp luật.

Theo Pháp luật & Bạn đọc