Ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) bị Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331.
Ngoài tội danh vừa bị khởi tố, bà Hằng hiện còn bị nhiều cá nhân như nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, bà Lê Thị Giàu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây… khởi kiện dân sự.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp
Nhiều người đặt câu hỏi, sau khi bà Hằng bị khởi tố thì các vụ dân sự sẽ được xử lý như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp vụ án dân sự có liên quan đến vụ án hình sự mà bà Hằng bị khởi tố, thì tòa án có thể áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”.
Cũng cần phải xác định rõ, sự liên quan kia đó là quyết định lỗi, xác định sự vi phạm trong vụ án dân sự liên quan trực tiếp đến kết quả buộc tội và xét xử trong vụ án hình sự thì mới thực hiện tạm đình chỉ.
Tuy nhiên, quan hệ này là độc lập thì vụ án dân sự vẫn tiến hành bình thường. Ví dụ, bà Hằng bị kiện đòi bồi thường vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Việc khởi kiện kèm theo yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại bằng vật chất. Còn vụ án hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Công an đọc lệnh bắt bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: Công an cung cấp
Trong đó không đề cập đến các sự xúc phạm cá nhân kia thì yêu cầu xử lý sự vi phạm và đòi bồi thường vì hành vi sai phạm của bà Hằng vẫn còn tồn tại, đã gây thiệt hại nên cá nhân đó vẫn được Tòa án giải quyết.
Trường hợp vụ án dân sự không có liên quan đến vụ án hình sự mà bà Hằng bị khởi tố, thì bà Hằng trong thời gian bị tạm giam có thể làm văn bản ủy quyền cho người khác làm đại diện ủy quyền cho mình, đồng thời cũng có thể mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án đó mà không bắt buộc phải trực tiếp tham gia tố tụng tại tòa án.
Trường hợp bà Hằng muốn trực tiếp làm việc thì tòa án vẫn có thể tiếp tục giải quyết vụ án như bình thường, tức vẫn mời làm việc và trại giam có thể trích xuất để bà Hằng tham gia vụ án.
Công an địa phương được huy động để vãn hồi trật tự vì nhiều người hiếu kỳ tụ tập phía trước căn biệt thự của bà Phương Hằng
Về việc bà Hằng có được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng bảo lãnh hay không, luật sư Nguyễn Thành Công cho hay, trong thời gian qua, bà Hằng đã coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.
Theo đó, việc bà Hằng được “tại ngoại” có thể tạo điều kiện cho bà này tiếp tục hành vi phạm tội, cùng với đó tạo ảnh hưởng lôi kéo thêm nhiều người gây mất an ninh trật tự xã hội cũng như gây ảnh hưởng xấu trên môi trường không gian mạng.
“Cơ quan điều tra có thể căn cứ vào yếu tố này, không cho phép thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Hằng. Nói cách khác, việc cho tại ngoại điều tra phụ thuộc vào quyết định của Cơ quan đang giải quyết mà không có quy định 'cứng' - tức quy định khi tập trung đủ điều kiện thì được tại ngoại”, luật sư Nguyễn Thành Công cho hay.
Theo Vietnamnet