18h30, các bị cáo liên quan vụ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được nói lời sau cùng.
18 tháng bị cáo hối hận đã không kiềm chế được bản thân mình
Là người đầu tiên trình bày, bị cáo Nguyễn Phương Hằng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đặt tay lên bàn, giọng cảm xúc, nói: "Hôm nay trở thành bị cáo là điều bản thân vô cùng ân hận và đau khổ.
Suốt 18 tháng qua bị cáo đã bỏ dở bao nhiêu tâm huyết giúp cho người nghèo, người bệnh tật. 18 tháng bị cáo hối hận đã không kiềm chế được bản thân mình".
Dòng người xếp hàng vào dự phiên tòa xét xử Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm (Ảnh: Nam Anh).
Nữ bị cáo mong HĐXX xem xét có tình có lý để cho bà trở về làm những công việc giúp dân, giúp đất nước, giúp công ty ngày càng phát triển. Bị cáo cho biết, hai vợ chồng bà luôn dốc sức giúp người nghèo.
"18 tháng qua với bị cáo đã quá đau đớn rồi. Mong tòa xem xét vì sao bị cáo phạm tội, xem xét bị cáo đã đóng góp cho xã hội, hoạt động bền lâu, không phải muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ.
Bị cáo làm lâu dài, như trong đại dịch bị cáo bán nhà bỏ tiền mua bình oxy, bảo lãnh công ty mua oxy để cứu dân trong đại dịch.
Đó là sự hy sinh của bị cáo với nhân dân, với đất nước, thể hiện ở việc làm cụ thể. Bị cáo muốn giúp ích cho dân, cho nước, trở thành công dân lương thiện", bà Hằng kết thúc lời nói sau cùng.
Nguyễn Thị Mai Nhi nói mình là nhân viên làm thuê cho bà Phương Hằng. Tới khi bị khởi tố bị cáo mới nhận ra hành vi của mình là sai trái.
Tiếp đó, nữ bị cáo 40 tuổi nói mình đang có con nhỏ nên xin tòa xem xét ở khung hình phạt thấp nhất. Cuối cùng Nhi xin lỗi những người liên quan trong vụ án.
Mai Lê Thu Hà nói mình là nhân viên làm thuê cho bà Phương Hằng, không có mâu thuẫn với những người liên quan. Từ đó, cô ta xin tòa cho mình được hưởng án treo để về lo cho gia đình.
Tới lượt mình, bị cáo Huỳnh Công Tân gửi lời xin lỗi tới 10 người có liên quan và xin lỗi 4 bị cáo trong vụ án. Tiếp đó, nam bị cáo khẳng định mình có nhân thân tốt, luôn làm những công việc có lợi cho xã hội.
Tân nói mình là lao động chính của gia đình khi anh trai vừa qua đời. Từ đó, Tân xin tòa xem xét giảm nhẹ cho mình được hưởng án treo.
Bị cáo cuối cùng nói lời sau cùng là ông Đặng Anh Quân. Nam bị cáo nói đây là trải nghiệm có nhiều cảm xúc, bị cáo dám đấu tranh, phản biện xã hội nên không ân hận.
Gần 20h, thẩm phán Bùi Đức Nam, chủ tọa phiên tòa đã đọc bản án. Theo đó, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù, bị cáo Đặng Anh Quân lĩnh 2 năm 6 tháng tù. Ba bị cáo là thuộc cấp của bà Hằng lĩnh 18 tháng tù.
Bị cáo Đặng Anh Quân (Ảnh: Hải Long).
VKS đối đáp ra sao?
Đối đáp lại các quan điểm bào chữa, tranh luận của các luật sư, đại diện VKS TPHCM giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố.
Về bản chất vụ án, các luật sư cho rằng xác định tư cách người có quyền lời nghĩa vụ liên quan phải là bị hại mới đúng.
VKS cho biết, bị cáo Hằng và những người liên quan hoàn toàn không biết nhau từ trước, chỉ vì bị công kích nên có lời lẽ phát ngôn không đúng.
Hằng lợi dụng việc tự do ngôn luận, ban đầu bị cáo nói lời rất hay nhưng càng về sau phát ngôn không chuẩn mực, vi phạm pháp luật.
Cáo trạng VKS chỉ ra hành vi của bị cáo xâm hại quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
"Nhà nước đang hoạt động bình thường, bị cáo lợi dụng phát ngôn. Nếu như thế trong tội danh bị cáo phải được xem xét khách thể cao hơn - xâm phạm tới khách thể quản lý Nhà nước.
Việc xem xét tư cách trong vụ án thuộc HĐXX. Tại tòa, những cá nhân có bị tổn thất vật chất tinh thần thì xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là phù hợp", đại diện VKS phát biểu.
Trong bài tự bào chữa, bị cáo Quân cho rằng mình không đồng phạm với bà Phương Hằng. VKS cho rằng trong quá trình bị cáo Hằng livestream, bị cáo Quân bản thân là tiến sĩ luật, giảng viên, chuyên đi phản biện mà bị cáo quên mất người gần gũi nhất với bị cáo (là bà Hằng) nhưng bị cáo lại không phản biện.
"Bị cáo là người có uy tín, có trình độ phải biết hơn ai hết để ngăn chặn bà Hằng thì có thể đã không có ngày hôm nay.
Tâm lý bị cáo Hằng có tiến sĩ luật ngồi kế thì mình cứ phát biểu không ai bắt. Hàng loạt buổi livestream được tiến hành. Việc xác định bị cáo có đồng phạm hay không thuộc về HĐXX", cơ quan công tố nói.
Với quan điểm của bị cáo Đặng Anh Quân cho rằng VKS cắt ghép chỉnh sửa đưa vào những lời quy chụp bị cáo, cơ quan công tố cho rằng không có căn cứ.
Tranh luận bổ sung, bị cáo Phương Hằng nói trên cáo trạng mọi người tấn công bị cáo nên bị cáo tự vệ. "Không phải bị cáo bị khùng mà lên chửi như thế. Bị cáo bị nhóm người tấn công", bà Hằng nói.
Vì sao bà Phương Hằng và ông Anh Quân vướng lao lý
Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân như ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển…
Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân nêu trên do bà đọc trên Internet chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.
Hồ sơ vụ án thể hiện, để tăng uy tín, độ tin cậy cho những phát ngôn của mình, bà Nguyễn Phương Hằng mời ông Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, giảng viên trường Đại học Luật TPHCM) cùng tham gia vào những buổi livestream.
Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác, ông Quân đã cùng tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan, góp phần cổ vũ tinh thần, góp thêm ý chí cho bà chủ Đại Nam thực hiện hành vi phạm tội.
Lý giải về việc tham gia các buổi livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân nói mình muốn an ủi và thấu hiểu bà Phương Hằng.
Theo Dân Trí