Tăng trần sau 11 phiên giảm sâu

Sau 11 phiên giảm liên tục, trong đó có 7 phiên giảm sàn và 4 phiên giảm sâu, ngày 29/7, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai bật tăng trở lại, lên kịch trần trong bối cảnh ông Nguyễn Quốc Cường (người thường được biết đến với biệt danh Cường Đô la) chính thức là người đại diện pháp luật, thay bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt tạm giam.

Vào đầu giờ sáng ngày 29/7, áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến cổ phiếu QCG giảm sàn, về 5.890 đồng/cp. Bất ngờ sau đó, lực cầu bắt đáy xuất hiện, kéo cổ phiếu bất động sản Quốc Cường Gia Lai tăng vọt lên trần. Cuối phiên, QCG giữ được mức tăng hết biên độ cho phép, thêm 440 đồng lên 6.770 đồng/cp.

Trước đó, QCG có một chuỗi ngày giảm rất sâu, từ mức gần 18.000 đồng/cp (ngày 19/4) xuống mức 6.330 đồng/cp.

Cổ phiếu QCG từng có chuỗi ngày tăng giá kéo dài từ khoảng 8.000 đồng/cp hồi đầu tháng 2 lên khoảng 18.000 đồng/cp vào giữa tháng 4 dù đây là khoảng thời gian QCG đón tin xấu, trong đó có thông tin phải hoàn trả gần 2.883 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan và dự án Phước Kiển cũng thuộc diện bị kê biên.

Bà Như Loan bị bắt, ông Cường Đô la làm CEO, điều gì đang chờ ở Quốc Cường Gia Lai?-1
Ông Nguyễn Quốc Cường lên làm CEO Quốc Cường Gia Lai thay bà Nguyễn Thị Như Loan. (Ảnh: C-Holdings)

Một điều khá bất ngờ là sau thông tin trên, cổ phiếu QCG lại “cháy hàng” trong phiên 12/4 và tăng rất mạnh trong 4 phiên sau đó. Trước đó, QCG cũng đã có 2 phiên tăng trần. Tổng cộng, QCG tăng mạnh từ mức 12.300 đồng/cp (ngày 8/4) lên mức 17.850 đồng/cp (ngày 19/4).

Ngày 30/6, Quốc Cường Gia Lai tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 bất thành do bà Loan vắng mặt vì sức khỏe.

Ông Nguyễn Quốc Cường nắm quyền, triển vọng QCG ra sao?

Ngày 23/7, ông Nguyễn Quốc Cường đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc thay mẹ. QCG cũng công bố thông tin sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 vào ngày 30/7.

Việc cổ phiếu QCG tăng trần trở lại phiên 29/7, trong bối cảnh cổ phiếu này đã giảm khoảng 30% (từ mức 12.250 đồng hôm 12/7 xuống dưới 6.000 đồng vào đầu giờ sáng 29/7) và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng QCG có thể khởi sắc sau ĐHĐCĐ vào ngày 30/7 với CEO mới là ông Nguyễn Quốc Cường.

Với lần quay trở lại này, doanh nhân Cường Đô la sẽ phải xử lý các vấn đề mà lãnh đạo cũ để lại. 

Vậy sức khỏe tài chính của QCG và triển vọng sắp tới ra sao?

Trong báo cáo quý I, QCG ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt 651 triệu đồng, giảm hơn 28% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu giảm sâu mất gần 77% xuống còn hơn 38,7 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả yếu kém này, bà Nguyễn Thị Như Loan khi đó cho biết, doanh thu lợi nhuận giảm do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo và vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện. Do vậy, thủ tục triển khai các dự án đều không được giải quyết.

Là một doanh nghiệp có quy mô vốn hơn 2.750 tỷ đồng nhưng QCG có lãi nhiều năm rất khiêm tốn, đạt gần 3,2 tỷ đồng trong năm 2023, 31 tỷ đồng trong năm 2022… Tổng tài sản tới cuối quý I/2024 của QCG giảm nhẹ xuống còn 9.515 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho là hơn 7.033 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn 30 tỷ đồng tiền mặt.

Không ít người kỳ vọng ông Cường thay bà Loan có thể vực dậy được QCG trong tương lai.

Tính tới cuối quý I/2024, doanh nghiệp nhà doanh nhân Cường Đô la ghi nhận hơn 5.100 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Mặc dù nằm trong HĐQT và ban lãnh đạo nhưng ông Cường nắm giữ lượng cổ phiếu rất ít, chỉ 537.000 cổ phiếu (0,2%), một con số rất nhỏ so với tỷ lệ nắm giữ 37,05% (tương đương gần 102 triệu cổ phiếu) của bà Loan và 14,32% (gần 39,4 triệu cổ phiếu) của em gái Nguyễn Ngọc Huyền My hay 3,52% (gần 9,7 triệu cổ phiếu) của em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. Vợ ông Cường là Đàm Thu Trang không sở hữu cổ phiếu và không liên quan gì tới QCG.

Ông Cường là người đã nằm trong ban lãnh đạo và HĐQT của QCG trong hơn thập kỷ trước đó. Ông Cường được bổ nhiệm giữ vị trí phó tổng giám đốc năm 2006 khi 24 tuổi; năm 2008 ông Cường có mặt trong HĐQT.

Trong khoảng thời gian ông Cường nắm quyền tại QCG, doanh nghiệp "phố núi" ghi nhận nợ nần lớn, nhiều sai phạm. QCG dính tai tiếng với dự án 39-39B Bến Vân Đồn hồi năm 2014. QCG cũng dính lùm xùm với 2 dự án Phước Kiển, trong đó có vụ "mua hụt" đất vàng giá bèo gần 1,3 triệu đồng/m2 tại dự án Phước Kiển 32ha, khiến dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bị kỷ luật.

Trong quá khứ, Quốc Cường Gia Lai có nhiều lần công bố thông tin sai hay chậm hoãn tổ chức ĐHĐCĐ trong khi ông Cường trong khoảng thời gian dài làm người công bố thông tin. Tháng 6/2022, QCG cũng không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. ĐHCĐ năm 2021 cũng tổ chức muộn hơn so với bình thường 8-9 tháng. ĐHCĐ năm 2021 được tổ chức vào ngày cuối cùng kết thúc năm tài chính (31/12/2021).

Sau khi rời Quốc Cường Gia Lai năm 2018, ông Cường đã xây dựng sự nghiệp riêng khi cùng lúc mở công ty hoạt động trong các lĩnh vực từ bất động sản, nhà hàng đến dịch vụ rửa xe. Với bất động sản, ông Cường lập CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường, nay đổi tên thành Công ty cổ phần C-Holdings (Công ty C-Holdings).

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản và khó riêng của QCG, các cổ đông vẫn có quyền hy vọng vào tương lai của QCG dưới sự chèo lái của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, câu trả lời sẽ sớm có trong tương lai gần.

Theo Vietnamnet