16 tuổi đã bị ung thư

Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết, tỷ lệ ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. PGS Tuấn từng phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày cho một bệnh nhân 16 tuổi và 4 - 5 ca chỉ 18 tuổi.

Bệnh nhân 16 tuổi vào viện vì đau bụng vùng thượng vị kèm theo đi ngoài phân đen. Bác sĩ cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn muộn.

PGS Tuấn cho biết, ông tiếp nhận các ca bệnh ngày càng trẻ hơn. Ở người trẻ, ung thư dạ dày kém biệt hóa nên nguy hiểm hơn người già rất nhiều. Bệnh nhân cao tuổi mổ ung thư dạ dày ít nguy cơ tái phát, thậm chí sống trên 5 năm rất nhiều.

Tuy nhiên, ở nhóm dưới 30 tuổi, không ít ca phẫu thuật xong vẫn tiến triển thêm, di căn phúc mạc. Trong khi đó, người trẻ lại chủ quan, thờ ơ với các dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày không có dấu hiệu rõ ràng, đa số bệnh nhân phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. PGS Tuấn cho biết khi muộn hơn, bệnh nhân có cảm giác đầy bụng sau khi ăn và khó tiêu, buồn nôn, nôn sau khi ăn, đau vùng thượng vị, thiếu máu nhược sắc đơn thuần hoặc đi ngoài phân đen.

Lý do ung thư dạ dày ngày càng tăng và trẻ hóa, ngoài di truyền, yếu tố gene, thói quen ăn uống cũng tác động trực tiếp tới dạ dày.

Ba thói quen xấu dẫn tới ung thư dạ dày-1
PGS Nguyễn Anh Tuấn phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Ảnh: BSCC. 

Thói quen xấu tăng nguy cơ ung thư

Thứ nhất: Ăn mặn

Bác sĩ Tuấn cho biết, người Việt Nam ăn quá mặn, thức ăn đã đậm đà lại thêm thói quen chấm muối, mắm. Ở châu Âu, tỷ lệ ung thư dạ dày thấp hơn châu Á vì người dân ít ăn các loại mắm. Nếu cần chấm, họ chỉ sử dụng mù tạt, các loại sốt không mặn như ở Á Đông.

Thứ hai: Gắp thức ăn, dùng chung nước chấm

PGS Tuấn cho biết thói quen gắp thức ăn cho nhau làm tăng khả năng nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Có tới 60% bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan tới HP. Đặc biệt, HP type I nguy cơ gây ung thư biểu mô dạ dày hơn type khác 5-6 lần.

Mặc dù, cơ chế HP gây ung thư dạ dày chưa được biết rõ nhưng viêm dạ dày mạn tính do HP sẽ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản ở niêm mạc dạ dày và ung thư.

Tuy nhiên, người bị ung thư dạ dày đều dương tính với vi khuẩn HP nhưng không phải ai nhiễm HP cũng tiến triển thành ung thư. PGS Tuấn cho rằng, việc điều trị diệt trừ HP rất quan trọng. Nếu người viêm dạ dày có vi khuẩn này cần tuân thủ điều trị, phòng ung thư dạ dày.

Ngoài ra, để ngăn ngừa lây nhiễm HP, cách tốt nhất là bỏ thói quen gắp mời thức ăn, chấm chung nước chấm.

Thứ ba: Ăn nhiều thực phẩm muối

Tỷ lệ người dân ở một số quốc gia mắc bệnh dạ dày cao và các nhà chuyên môn đã chỉ ra thực phẩm có liên quan chặt chẽ tới bệnh này. Các loại thực phẩm chứa nhiều nitrat làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

PGS Tuấn cho biết, các loại rau được chăm bón nhiều nitơ, cá ướp muối, hun khói, dưa muối… phản ứng với các axit trong dạ dày chuyển thành các chất nitrosamin. Nitrosamin là chất đã được chứng minh gây ung thư.

Điều trị ung thư dạ dày hiện nay theo đa mô thức, trong đó phẫu thuật giữ vai trò quyết định. Theo đó, bệnh nhân ung thư dạ dày sẽ được cắt một phần hay toàn bộ dạ dày tùy thuộc vào vị trí và mức độ xâm lấn của khối u, đồng thời lấy đi hệ thống hạch bạch huyết xung quanh dạ dày. 

Việc bệnh nhân có được hóa chất bổ trợ sau phẫu thuật hay không tùy thuộc vào giai đoạn bệnh sau khi có kết quả giải phẫu bệnh khối u và hạch bạch huyết.

Theo Vietnamnet