Hai ngày sau khi xảy ra sự việc bị người nhà bệnh nhân tấn công, bác sĩ P.H.T (Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TP.HCM) vẫn còn lo lắng cho an toàn của mình.

Bởi lẽ trước khi rời đi, người tấn công anh dặn rằng sẽ chặn đường. Hiện anh được Bệnh viện cho phép nghỉ một vài ngày.

Bác sĩ P.H.T chính là nạn nhân bị hành hung tối 27/7 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Cha của một bệnh nhi đã quát tháo, bóp cổ, dọa giết anh trước mặt đồng nghiệp, bệnh nhân. Thậm chí, người đàn ông còn vừa quay clip vừa quát mắng, đe dọa bác sĩ.

Khi được hỏi về cách giao tiếp với người nhà bệnh nhi tối 27/7, bác sĩ T. khẳng định, thái độ và cách giải thích của mình về tình trạng bệnh hoàn toàn phù hợp, không sai.

Anh cho biết, ngay khi đưa con đến Khoa Cấp cứu, người cha (người tấn công bác sĩ T.) đã to tiếng mặc dù tình trạng cháu bé bình thường. Qua thăm khám, nghi ngờ hóc xương cá, sinh hiệu bình thường, SPO2 98%, không khó thở, không nguy hiểm tính mạng.

Thời điểm đó, Khoa Cấp cứu rất đông bệnh nhân, có bệnh nhân phải thở máy. "Tôi giải thích cặn kẽ và yêu cầu người nhà ngồi đợi bác sĩ tai mũi họng từ 30 phút, tối đa là 60 phút".

Vài phút sau, người cha của cô bé lại vào la hét, không đồng ý chờ đợi, yêu cầu làm luôn hoặc viết giấy chuyển tuyến. 

Bác sĩ T. lại giải thích từ đầu nhưng không hiệu quả. Người này lấy điện thoại ra quay video và yêu cầu giải thích lại, bất ngờ ép anh vào tường rồi bóp cổ.

"Các bác sĩ, bệnh nhân lao tới kéo người này ra nhưng anh ta vẫn đe dọa tôi", bác sĩ T. nhớ lại.

Bác sĩ bị dọa giết: Khoác áo blouse, chúng tôi không được phản kháng-1
Người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ T. vào tối 27/7 khi anh đang trực cấp cứu. Ảnh chụp màn hình,

Theo bác sĩ T., ngay khi sự cố xảy ra, đồng nghiệp, bảo vệ đã có mặt để “giải cứu” anh vì bệnh viện có hệ thống Code Grey – phản ứng khẩn cấp với các tình huống này. Người đàn ông hành động đột ngột nên anh và mọi người đều bất ngờ.

Một bác sĩ tại Bệnh viện cho biết, hai cha con bệnh nhi đã rời đi sau đó, còn cổ bác sĩ T. sưng hằn vết 5 ngón tay. Sáng hôm sau, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã chủ động gọi hỏi thăm bệnh nhi và biết bé đã ổn định.

Trong thời gian anh công tác tại Khoa Cấp cứu, hơn 10 đồng nghiệp của anh đã nghỉ làm. Thực tế, bác sĩ cấp cứu luôn có với áp lực lớn nhưng nhiều đam mê, nhất là ở các bệnh viện như Nhân dân Gia Định.

Áp lực từ đặc thù ngành, nhiều bệnh nguy kịch, trực đêm... "Nhiều bác sĩ đã nghỉ vì bị tấn công, hành hung, sau đó mới là nguyên nhân thu nhập", anh nói.

Trong sự cố tối 27/7, bác sĩ T. cho hay, mình chỉ biết né như rất nhiều lần trước đó.

Mặc áo blouse lên là vậy, mình không được phản kháng khi bị bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân tấn công. Thực tế, có muốn cũng không chống được vì nhân viên y tế không quen … đánh nhau nên chỉ né thôi. Mình chờ người khác kéo ra còn người bị đánh sao mà phản kháng lại được".

Anh T. không thể đếm chính xác bao nhiêu lần mình bị chửi mắng, xô xát, tấn công khi đang trực cấp cứu.

Riêng tôi chắc là mấy chục lần. Còn đồng nghiệp Khoa Cấp cứu bị tấn công sao mà đếm hết”, anh cười.

“Cách đây khoảng 5 năm, nhóm giang hồ cầm mã tấu vào Khoa Cấp cứu chém người. Bệnh nhân, bác sĩ, điều dưỡng nấp hết xuống gầm giường.

Cũng may, có một anh công an đưa bệnh nhân bị truy sát giấu đi nên không bị thương thêm. Đêm đó có 2 vụ lộn xộn xảy ra.

Không phải lần đầu mình bị hành hung, nhưng bức xúc và chán nản vì xảy ra quá nhiều, như một thói quen", bác sĩ T. chia sẻ.

Sau rất nhiều năm làm cấp cứu, bác sĩ T. và đồng nghiệp luôn mong được làm việc trong môi trường an toàn nhất, không nơm nớp lo sợ bị đe dọa, hành hung. Còn chuyện xử lý người tấn công, anh cũng rất e ngại và khó nghĩ. 

“Người đó cũng còn có con nhỏ”, bác sĩ T. bày tỏ.

Liên quan đến vụ việc trên, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, Khoa Cấp cứu là nơi đầu sóng ngọn gió, là tuyến đầu của bệnh viện nên gặp nhiều khó khăn, áp lực.

“Ngành y tế kêu gọi người dân khi đến cơ sở y tế hãy giữ một môi trường điều trị an toàn, tin tưởng vào người thầy thuốc để các nhân viên y tế an tâm công tác, người bệnh được an toàn chăm lo sức khỏe”, ông nói.

Theo quy định, bệnh nhân đến nhập cấp cứu đều được phân loại, sàng lọc theo từng mức độ tình trạng nặng nhẹ khác nhau để có hướng xử trí kịp thời. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Theo Vietnamnet