Bài viết này sẽ không đề cập tới những chi tiết ngờ nghệch, phi thực tế vẫn thường xuyên xuất hiện ở phim Hàn nữa (như việc con gái chỉ cần cắt tóc ngắn, mặc đồ tomboy là thành đàn ông thứ thiệt chẳng hạn). Bởi nếu muốn thấy vui khi xem phim Hàn, hãy học cách bỏ qua cho những chi tiết hơi "thiếu muối" một chút như thế. Có không ít lần, các biên kịch phim nước này thậm chí còn mắc những lỗi tồi tệ hơn, đáng lên án hơn rất nhiều. Đó là khi họ làm phim về ngành nghề, và thản nhiên bóp méo mọi quy tắc, mọi sự thật về ngành nghề đó!
Xin được nêu ra một số trường hợp biên kịch phim Hàn khiến người xem phẫn nộ vì sự vô phép tắc của mình, mặc dù với những khán giả non nớt, có thể họ sẽ chẳng cảm thấy đây là một vấn đề lớn và mặc nhiên chấp nhận sự tung hoành của các tay viết xấc xược.
1. Bác sĩ đánh người giữa bệnh viện
"Doctors"
Sau cả nửa năm ế chỏng chơ, đài SBS trở lại bằng một bộ phim y khoa có thể xem là đã thành công rực rỡ - Doctors. Phim xoay quanh nhân vật chính Yoo Hye Jung (Park Shin Hye), một cô gái ngổ ngáo với "quá khứ phức tạp", giỏi vũ lực, từng thích đánh nhau nhưng lại có bản chất thiên tài. Để làm nổi bật cá tính của nhân vật này lên, biên kịch Oh Myung Hee cho cô bác sĩ Yoo Hye Jung một mình xử đẹp bốn, năm gã côn đồ, ngay giữa bệnh viện, trước vẻ mặt sợ hãi của các đồng nghiệp và bệnh nhân. Không một nhân viên an ninh nào có mặt ở đó, càng tạo cơ hội cho nàng "main" thể hiện sự bá đạo, anh hùng của mình.
Điều khiến khán giả tức giận nhất ở đây có lẽ chính là việc biên kịch thản nhiên biến một nơi tôn nghiêm như bệnh viện thành trò đùa cho các nhân vật. Làm bác sĩ để làm gì khi không biết cái quy tắc tối thiểu nhất là không được làm ồn? Làm bác sĩ để làm gì khi không biết kiềm chế tính bốc đồng của bản thân? Các nhân viên khác ở đâu mà lại để một kẻ bạo lực đi thương thảo bằng-vũ-lực với những người đang cần chữa trị, cho dù đó có là xã hội đen đi chăng nữa? Bác sĩ có giỏi đến mấy mà hành động như thế này thì sa thải đi thì hơn, bởi thực tế chẳng ai muốn giao phó tính mạng mình cho một người còn không coi tính mạng người khác ra gì.
Vô lí là thế, song không ít khán giả vẫn tỏ ra thích thú trước khung cảnh đánh đấm hỗn loạn của nữ chính – một anh hùng giả tạo, thích ra oai, thể hiện. Rất may, mấy anh giang hồ trong phim này cũng quá kém cỏi, nếu không thì chẳng biết chúng sẽ làm gì với các bệnh nhân sau khi bị một "con nhãi" chọc giận.
2. Bác sĩ lấy tính mạng bệnh nhân ra để thi thố
"Doctor Stranger"
Cũng mang đề tài y khoa, Doctor Stranger với sự tham gia của các diễn viên Lee Jong Suk, Park Hae Jin, Kang Sora và Jin Se Yeon được đánh giá là một trong những bộ phim dở nhất của SBS (lại là SBS) năm 2014. Đến bây giờ khi hồi tưởng lại, không ít người vẫn rùng mình trước sự máu lạnh của biên kịch phim Park Jin Woo. Vị biên kịch này đã có công nghĩ ra một trong những cuộc thi nực cười nhất lịch sử nhân loại, nơi các bác sĩ là những kẻ tranh đấu, còn tính mạng bệnh nhân là thứ được đem ra để đặt cược.
Cuộc thi thấm đẫm tình người này xuất phát từ tham vọng của một vị thủ tướng muốn tìm ra bác sĩ xuất sắc nhất để chữa trị cho mình, và một tay giám đốc bệnh viện muốn nâng cao danh tiếng lẫn tiền tài trợ cho bệnh viện của ông ta. Hai bác sĩ cũng thuộc dạng thiên tài Park Hoon (Lee Jong Suk) và Han Jae Joon (Park Hae Jin) tham gia cuộc đấu, với yêu cầu toàn bộ viện phí của các bệnh nhân sẽ do bệnh viện chi trả.
Có thể thấy ý đồ của biên kịch ở đây là muốn đặt các nhân vật vào một bối cảnh vô cùng éo le, "cẩu huyết", thách thức họ phải xoay sở thế nào trong bối cảnh đó, từ đó làm bật lên tinh thần y đức của các bác sĩ mà biên kịch muốn truyền tải theo kiểu: "Tôi là một bác sĩ. Tôi sẽ không vì lợi ích của các người mà đùa cợt với sinh mạng của bệnh nhân đâu!". Thế nhưng, éo le đến mức độ này thì có lẽ người viết kịch nên xem lại: Nếu như ở vòng đấu thứ nhất, người nào cứu được bệnh nhân trước sẽ thắng, vốn dĩ đã rất nực cười, thì ở vòng đấu thứ hai, kẻ thắng lại là kẻ… không cứu được bệnh nhân! Bạn không nghe nhầm đâu, bạn sẽ thua nếu bạn cứu sống một mạng người!
Nói thêm một chút, Doctor Stranger là một nồi lẩu thập cẩm thực sự khi nó nhồi nhét đầy đủ các yếu tố từ tình cảm lãng mạn, y học tới chính trị. Và bao giờ tham thì cũng thâm, thật tuyệt vời khi bộ phim này đã trở thành bom xịt của năm, xứng đáng với mớ hỗn độn mà chính nó đã tự tạo ra cho mình. Bài học cho các biên kịch: đừng sáng tạo một cách hàm hồ, hãy viết kịch một cách có kiểm soát.
3. Thẩm phán, công tố viên, luật sư làm việc quá cẩu thả
"I Hear Your Voice"
Bộ phim của biên kịch Park Hye Ryun I Hear Your Voice vẫn thường xuyên được nhắc tới như một hiện tượng của truyền hình Hàn Quốc năm 2013: không diễn viên ngôi sao, không quảng bá rầm rộ vẫn thành công vang dội. Hot là thế, được ca ngợi là thế, nhưng nếu đánh giá một cách khách quan, bộ phim này lại xứng đáng là một trong những drama về ngành nghề đáng thất vọng và tào lao nhất Hàn Quốc.
Có một mô-típ viết kịch khá quen thuộc của các biên kịch xứ Hàn, đó là dìm hàng, bêu rếu các nhân vật đối thủ để giúp các nhân vật chính đã nổi lại càng nổi hơn. Với I Hear Your Voice, luật sư và công tố viên là những người bị dìm đến khó tin, dìm tới mức đáng lẽ ra những ai làm luật ở thời điểm đó phải đâm đơn kiện biên kịch luôn khi công việc của họ lại bị mang ra làm trò hề như vậy.
Bạn sẽ chẳng thể nào tin được đây lại là những người đứng đầu luật pháp Hàn Quốc, hoặc là bạn đang quá dễ dãi với chính những gì mình đang xem. Luật sư của chính phủ nhưng làm việc tắc trách, thẩm phán, công tố viên qua loa, thờ ơ với chính những phán quyết của mình. Những nhân vật này trong phim thường xuyên bị biên kịch miêu tả là những kẻ rất thiếu chuyên nghiệp, kém nghiệp vụ, để rồi nhờ gặp may mắn rất đúng lúc mới giải quyết được vấn đề và sau đó là nhận được một bài học mang đầy tính nhân văn nào đấy.
Yếu tố bình thường nhất của I Hear Your Voice hóa ra lại chính là yếu tố siêu nhiên: nam chính có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác. Tuy nhiên, chính vì muốn đề cao chi tiết này mà biên kịch hết lần này tới lần khác biến câu chuyện của các nhân vật xung quanh thành một trò đùa nhảm nhí. Ngay cả nữ chính – một luật sư – gần như cũng chỉ biết dựa dẫm năng lực của nam chính để tìm ra lời giải cho các vụ án. Một luật sư như vậy, có lẽ nên bỏ nghề thì hơn.
4. Cảnh sát bất tài, vô dụng
"The Girl Who Sees Smells"
The Girl Who Sees Smells ngoài việc xoay quanh cô gái có khả năng nhìn thấy mùi hương Oh Cho Rim (Shin Se Kyung) thì còn giữ trọng trách mang tới khán giả cái nhìn rõ hơn về ngành cảnh sát Hàn Quốc, nơi có những cảnh sát thuộc vào loại bất tài, vô dụng số một thế giới.
Cũng giống như I Hear Your Voice và vô số phim Hàn khác, The Girl Who Sees Smells được xây dựng theo lối tầm thường và cường điệu hóa các nhân vật, sự việc. Người xem nhiều phen cảm thấy ức chế trước cách giải quyết vụ án của những tay cảnh sát trong phim. Đường đường là cảnh sát mà không có lấy một chút kĩ năng điều tra, luôn vội vàng đi tới kết luận, đó là chưa kể tới việc cảnh sát tự ý đột nhập vào nhà dân rồi bới tung đồ đạc khi chưa có lệnh.
Kém cỏi là thế, vậy họ phá án kiểu gì? Hoặc là nhờ ăn may, hoặc là nhờ vào năng lực đặc biệt của cô nữ chính. Tương tự như khả năng đọc suy nghĩ của Park Soo Ha (Lee Jong Suk) trong I Hear Your Voice, năng lực nhìn thấy mùi hương của Oh Cho Rim bất ngờ lại là thứ logic nhất, dễ chấp nhận nhất giữa vô vàn thứ phi logic của The Girl Who Sees Smells.
5. Cuộc chiến giành quyền lên sóng của hai nữ MC thời tiết
"Jealousy Incarnate"
Phải nói rõ, tác giả bài viết không hề có thù hằn gì với đài SBS. Việc cái tên thứ năm trong danh sách lại tiếp tục là một sản phẩm được sản xuất dưới trướng nhà đài 25 năm tuổi này là hoàn toàn ngẫu nhiên. So với những đàn anh ở trên, kịch bản của Jealousy Incarnate không hoàn toàn đáng bị lên án. Sau 6 tập đã lên sóng, nhìn chung đây là một bộ phim xem ổn so với những phim thuộc thể loại hài lãng mạn trong năm nay, vui vẻ, hài hước nhưng không tạo cảm giác bị lố.
Điểm trừ đáng kể nhất của phim cũng là một chi tiết liên quan tới chuyện ngành nghề, ở đây là nghề MC dự báo thời tiết. Jealousy Incarnate miêu tả dẫn chương trình thời tiết là những người luôn bị cấp trên lẫn khán giả coi thường, đã vậy còn không có fan hâm mộ vì chẳng mấy ai theo dõi. Dù thời lượng chương trình luôn rất ngắn, những MC thời tiết vẫn chịu khó lên hình đều đặn vì đây là "cần câu cơm" của họ. Nhiều cô gái thậm chí còn dùng thủ đoạn để hãm hại đồng nghiệp, chỉ vì muốn xuất hiện ở khung giờ vàng buổi tối.
Để làm nổi bật hoàn cảnh của nữ chính Pyo Na Ri (Gong Hyo Jin), biên kịch đã thêm vào phim một phân cảnh "over" chẳng kém chuyện bác sĩ đánh người hay cảnh sát lơ mơ là mấy. Nhận được cuộc gọi của đạo diễn, cô MC thời tiết Pyo Na Ri ôm vết thương còn chưa lành sau phẫu thuật tới trường quay để kịp giờ lên hình. Tuy nhiên lúc này, một cô MC khác cũng có mặt ở đó.
Giữa trường quay của một đài truyền hình lớn như SBC (cái tên này có lẽ lấy cảm hứng từ tên gọi SBS), hai cô gái bỗng dưng đẩy kéo nhau chỉ để được lên tivi. Các sếp lẫn nhân viên hoàn toàn lúng túng trước cuộc chiến mang tính chợ búa của hai cấp dưới. Có người còn đưa ra lời khuyên chơi trò… kéo bao búa để chọn người được lên hình. Cuối cùng, bản tin thời tiết hôm ấy có tới 2 MC, ai cũng xinh đẹp mà ai cũng lắp bắp, đến là bi hài.
Kết
Khi không ý thức được những gì mình viết, biên kịch chẳng những đang khinh suất qua sự thiếu không tôn trọng ngành nghề mà bộ phim hướng đến, mà còn đang coi thường chính vai trò biên kịch của mình khi truyền tải những thông điệp sai lầm tới khán giả. Trớ trêu thay, không ít phim của những biên kịch này vẫn thu hút hàng triệu người xem và thậm chí còn được yêu thích rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Phải chăng, chính sự dễ dãi của khán giả đã giúp những bộ phim thị trường kém chất lượng như vậy có cơ hội tỏa sáng? Có lẽ, chỉ tới khi nào người ta biết thôi dễ tính với những kịch bản cẩu thả, lỏng lẻo, thì các biên kịch mới có trách nhiệm hơn với những đứa con tinh thần của chính mình. Dẫu vậy, ai cũng biết, thay đổi được thị hiếu của khán giả là một chuyện chẳng dễ dàng gì.