Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật nhập viện khi hàm lượng methanol trong mẫu máu  là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc, sau hội chẩn các bác sĩ đã dùng 15 lon bia truyền vào cơ thể cứu nạn nhân qua cơn nguy kịch.

Sáng 25/12/2018, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận hai bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cùng trú tại xã Triệu Đô, huyện Triệu Phong vì ngộ độc rượu nặng. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, kiệt sức.

Bác sĩ lý giải lý do truyền 15 lon bia vào cơ thể người ngộ độc rượu-1
Nạn nhân vụ ngộ độc rượu ở Quảng Trị

Qua các bước xét nghiệm nhận thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc; mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay, quá trình cấp cứu bệnh nhân, bệnh viện này đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân Nhật. 

Tiếp đó cứ một giờ đồng hồ lại truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, khoảng 24 giờ sau bệnh nhân Nhật tỉnh, sức khỏe ổn định.

Bác sĩ lý giải lý do truyền 15 lon bia vào cơ thể người ngộ độc rượu-2
Bác sỹ Lâm

Việc truyền bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

Trong bia có Etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. 

Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

“Đây là phương pháp khoa học, không gây hại cho bệnh nhân. Trước khi quyết định sử dụng phương pháp này, chúng tôi cũng chịu áp lực, đặc biệt là với người nhà bệnh nhân Nhật. Tuy nhiên, vì vợ của bệnh nhân cũng làm trong ngành y, trong hoàn cảnh bệnh nhân đang nguy kịch nên khi chúng tôi đưa ra phương pháp điều trị như thế, người nhà bệnh nhân lúc đầu có chút hoài nghi nhưng sau cũng được thuyết phục, chấp nhận”, bs Lê Văn Lâm chia sẻ

Trước đó, ngày 23/12, các ông Nguyễn Văn Xược (64 tuổi, trú thôn Quy Hà) ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú thôn An Giạ), Lê Văn Tửu và ông Hoàng Thanh Chiến (58 tuổi, thôn Gia Độ), dự tiệc mừng Giáng sinh tại thôn Đồng Giám và có sử dụng bia rượu

Các ông trên sau khi uống rượu đã có biểu hiện đều nôn ói, chóng mặt, thậm chí hôn mê sâu, được người nhà đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế của Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Riêng ông Nguyễn Văn Xược (xã Triệu Độ) tử vong vào sáng 28/12, sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện do nghi ngộ độc rượu.

Theo Vietnamnet