Bỗng dưng bị "lên mạng" bán thuốc

Theo đó vào chiều 27/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), nhận được tin nhắn của một phụ nữ, cho rằng ông không có đạo đức, ăn tiền của người bán thuốc tiểu đường nên quảng cáo bậy bạ.

Vì nghe theo lời quảng cáo trên, nữ bệnh nhân đã uống 8 lọ thuốc trị tiểu đường, khiến đường huyết từ 200mg/dL đã tăng gấp đôi và không hạ.

"Làm người sao ác vậy, vì đồng tiền mà đánh mất lương tâm. Ăn tiền của mấy thằng bán thuốc tiểu đường xạo còn bày đặt bác sĩ, tiến sĩ", nữ bệnh nhân viết những dòng xúc phạm nặng nề, gửi qua tài khoản mạng xã hội của bác sĩ Khanh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói gì khi bị bệnh nhân mắng đánh mất lương tâm?-1
Bác sĩ Trương Hữu Khanh bất ngờ bị bệnh nhân xúc phạm nặng nề (Ảnh: THK).

Trao đổi với Dân Trí, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, đây là lần đầu tiên ông bị bệnh nhân chửi, liên quan đến việc mình bị mạo danh để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng.

Trước đó, người dân khi liên tục thấy hình ảnh ông bị cắt ghép trên mạng đều nhắn tin hỏi thăm trước, tìm hiểu thực hư rồi mới quyết định mua thuốc hay không.

Gần đây, ngoài việc làm clip và "chế biến" hình ảnh, nhiều người lừa đảo còn tinh vi hơn khi thiết kế trang bán thuốc giống giao diện những tờ báo, đính kèm mặt bác sĩ Khanh vào để quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng công năng thuốc.

Ngoài thuốc tiểu đường, các đối tượng còn dùng hình ảnh chuyên gia truyền nhiễm nổi tiếng để quảng cáo thuốc viêm khớp, thuốc trị suy giãn tĩnh mạch, giảm cân.

Trong sự việc vừa xảy ra, nữ bệnh nhân tin lời bác sĩ "đểu" nhưng khi dùng thuốc biến chứng lại mắng chửi bác sĩ "thật".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, mình chỉ là bác sĩ chuyên khoa nhi và không hề phát biểu gì về điều trị tiểu đường, giãn tĩnh mạch, đau khớp.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói gì khi bị bệnh nhân mắng đánh mất lương tâm?-2
Hình ảnh BS Khanh bị mạo danh, thậm chí thông tin bị cắt ghép như đăng trên báo chính thống khiến người tiêu dùng bị lừa.

"Trước đây, họ từng ghép hình tôi bán thuốc, nói chỉ một liều là hết tiểu đường. Tất cả đều là giả mạo", bác sĩ Khanh dẫn chứng.

Chuyên gia truyền nhiễm nhi khuyến cáo, người dân khi muốn sử dụng thuốc hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào cần tìm hiểu kỹ, tham vấn từ người có chuyên môn để tránh chỉ vì tin tưởng người nổi tiếng hoặc quảng cáo trên mạng mà bị lừa, dẫn đến tiền mất, tật mang.

Bác sĩ kêu trời vì bị mạo danh

Không riêng gì trường hợp bác sĩ Khanh, nhiều bác sĩ cũng kêu trời vì bị mạo danh hình quảng cáo bán thực phẩm chức năng.

GS.TS Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, mới đây, ông ngỡ ngàng khi được  bạn bè gửi cho một số liên kết trên facebook mà nội dung là các trang quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm không rõ nguồn gốc trong đó có lấy hình ảnh của ông ghép vào.

"Họ quảng cáo cà phê chữa huyết áp, với hình ảnh của tôi, được giới thiệu là Trưởng khoa tim mạch. Trong khi tôi là chuyên gia về ngoại khoa, tiêu hóa, bụng", GS Giang nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói gì khi bị bệnh nhân mắng đánh mất lương tâm?-3
Là chuyên gia ngoại khoa về tiêu hóa, ổ bụng, với chức danh thời điểm đó là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nhưng hình ảnh GS.TS Trần Bình Giang lại được gắn là trưởng khoa tim mạch để quảng cáo cà phê giảm cao huyết áp (Ảnh chụp màn hình).

"Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế... nào, của bất cứ hãng sản xuất nào", GS Giang thông tin.

Ông cũng chia sẻ, khi đọc thử những thông tin quảng cáo trong các trang này thì thấy toàn là các thông tin không được kiểm chứng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và tác dụng.

"Mọi người tuyệt đối không tin theo, mua, sử dụng các sản phẩm đó mà có nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên mọi người hãy để các thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu thực hiện, đừng tra thông tin trên mạng rồi làm theo", GS Giang khuyến cáo.

Thậm chí, nhiều tài khoản còn mạo danh cả bệnh viện để bán thuốc. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhiều lần lên tiếng về việc trên mạng xã hội xuất hiện các trang về bệnh viện, bác sĩ của bệnh viện để bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Mới đây, tại Hội thảo phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam, các chuyên gia cũng bày tỏ đau đầu về thực trạng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo sai nội dung mà cơ quan chuyên môn đã thẩm định, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ, cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… diễn ra phức tạp trên mạng xã hội.

Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.

Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo:

- Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo

- Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật.

- Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

- Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...

"Không có thực phẩm chức năng nào lại chữa dứt điểm được bệnh nọ, bệnh kia. Vì thế, người dân cần cảnh giác, tẩy chay các sản phẩm quảng cáo sai sự thật, lấy hình ảnh nhân viên y tế để mạo danh, lừa đảo", chuyên gia khuyến cáo.

Theo Dân Trí