Á vận hội - ASIAD và tất cả các đại hội thể thao nào đều chọn việc thắp đuốc, thắp lên ngọn lửa để bắt đầu cho những cuộc tranh tài.
Hình ảnh ngọn lửa rực cháy nhằm tôn vinh tinh thần thể thao cao thượng, thúc đẩy khát khao của những vận động viên (VĐV) vươn lên vì màu cờ sắc áo, vì niềm đam mê cháy bỏng và ước mơ của mình.
Những bộ phim thể thao vẫn thường có kịch bản một cô bé, cậu bé nghèo, đến với thể thao, vượt gian khó để vươn lên.
Bạc Thị Khiêm - nữ VĐV người dân tộc Thái với nghị lực phi thường.
Những cậu bé mê đá bóng ở những khu ổ chuột ở Brazil trở thành nhà vô địch World Cup hay siêu sao Ronaldo đến với bóng đá từ xuất thân gia đình nghèo khó.
Tại Việt Nam, nếu dựng một bộ phim như vậy, cảnh đầu tiên sẽ là cảnh một cô bé người dân tộc Thái sinh ra ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La vào năm 2000.
Mỗi ngày, cô bé ấy phải đi bộ 8km qua những ngọn đồi, vượt những con dốc để tới trường, rồi học xong còn phụ mẹ làm nương rẫy.
Bạc Thị Khiêm - vận động viên đầu tiên của tỉnh Sơn La có huy chương ở một kỳ Đại hội thể thao châu Á
Cảnh quay tiếp theo sẽ là dưới ánh sáng của nhà thi đấu ở khu phức hợp thể thao Rizal Memorial (Manila, Phililippines).
Trận chung kết của môn Teakwondo hạng dưới 67 kg SEA Games 30 vô cùng căng thẳng, và với một cú đá nhanh xuất thần, một nữ VĐV 19 tuổi người Việt Nam đã làm đứng lặng hàng nghìn khán giả nước chủ nhà, hạ vận động viên Philippines để giành tấm huy chương vàng.
Cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, nữ vận động viên ấy đã rơi những giọt nước mắt.
Cô gái dân tộc Thái đó là Bạc Thị Khiêm, với một câu chuyện không khác gì chuyện cổ tích thể thao, câu chuyện có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều em bé vẫn còn khó khăn ở những nơi miền núi xa xôi.
Để đạt đến thành công, để vươn tới ước mơ, Bạc Thị Khiêm đã phải gian nan khổ luyện, đổ mồ hôi, rơi nước mắt, và phải đổ cả máu trên sàn tập Teakwondo.
Cơ duyên đến với thể thao của Bạc Thị Khiêm là vì nhờ có chiều cao tốt, cô giáo của Khiêm đã giới thiệu Khiêm đến Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Sơn La.
Về sau, nữ vận động viên có nói vui rằng có lẽ những cú đá của cô nhanh được bởi đôi bàn chân đã được luyện rèn trước đó trên những con đường núi đồi đầy sỏi đá.
Khi đó, nữ VĐV nghĩ rằng theo tập thể thao thì sẽ đỡ gánh nặng, "nhà đỡ phải nuôi cơm", và có thể phụ giúp gia đình mình.
Đến với Teakwondo năm 12 tuổi, nhờ sự chăm chỉ luyện rèn, ý chí tuyệt vời, Bạc Thị Khiêm liên tục vô địch các giải trẻ. Hai tấm huy chương vàng liên tiếp tại 2 kỳ SEA Games 30 (2019) và 31 (2022) được nữ VĐV người dân tộc Thái mang về.
Sau 2 lần vô địch SEA Games, Bạc Thị Khiêm có lần đầu tiên tham dự một kỳ Á vận hội, có mặt để thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD 19.
Nữ VĐV môn Teakwondo còn có vinh dự được chọn là 1 trong 2 VĐV cầm cờ của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 (người còn lại là nam kình ngư Nguyễn Huy Hoàng).
Tuy nhiên, vào phút chót, Đoàn thể thao Việt Nam phải đổi người cầm cờ để phù hợp với lịch trình di chuyển của Bạc Thị Khiêm.
Thi đấu ở ASIAD là ở một đẳng cấp khác, với những VĐV hàng đầu. Ở tứ kết, Bạc Thị Khiêm phải đối đầu với Kim Jan Di. Nữ VĐV người Hàn Quốc - quê hương của môn võ Teakwondo nằm trong Top 3 VĐV mạnh nhất thế giới ở hạng cân này, từng là Á quân ASIAD.
Bạc Thị Khiêm còn gặp bất lợi về thể lực khi phải thi đấu vòng 1/8 trong khi Kim Jan Di được vào thẳng. Nữ võ sĩ Việt Nam đã đả bại được đối thủ mạnh người Hàn Quốc.
Bạc Thị Khiêm chỉ chịu thua trước một Song Jie quá mạnh của chủ nhà Trung Quốc.
Bạc Thị Khiêm có 2 huy chương đồng ngay trong lần đầu tiên dự ASIAD
Kết thúc Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD 19, Bạc Thị Khiêm có 2 huy chương đồng, 1 cá nhân, 1 đồng đội. Bất cứ tấm huy chương dù màu gì ở Á vận hội đều quý giá, và cô gái với bước chân nhỏ bé ngày nào giờ đã vươn tới được một tầm cao.
Mạnh mẽ trên thảm đấu võ, nhưng Bạc Thị Khiêm sau những thành công vẫn luôn khiêm tốn, ngại nói về mình. Những huấn luyện viên của Bạc Thị Khiêm luôn đánh giá cao tinh thần mạnh mẽ, ý chí kiên cường của cô học trò.
Các thầy của cô còn chia sẻ rằng Bạc Thị Khiêm là đứa con rất hiếu thảo. Toàn bộ tiền thưởng khi có thành tích, cô dành để chữa trị bệnh cho mẹ, nuôi em gái ăn học, còn bản thân Khiêm thì sống rất giản dị, tiết kiệm, chỉ chuyên tâm vào luyện tập.
24 tuổi, Bạc Thị Khiêm vẫn đang bước tiếp một cách mạnh mẽ trên hành trình của mình.
Bạc Thị Khiêm cùng mẹ và em gái
Trở thành VĐV người Sơn La đầu tiên giành huy chương tại 1 kỳ ASIAD, trở thành niềm tự hào của thể thao Sơn La, câu chuyện về cô bé nghèo người dân tộc Thái vươn lên để thành công với thể thao là tấm gương, là cảm hứng cho rất nhiều người.
Câu chuyện về Khiêm được nhiều huấn luyện viên thể thao, nhiều thầy giáo ở Sơn La nhắc đến với các VĐV trẻ, các em nhỏ. Luôn nỗ lực để luyện tập và thi đấu tốt.
Em mong muốn các em nhỏ miền núi, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ có điều kiện, có cuộc sống tốt hơn, luôn mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người là những chia sẻ của Bạc Thị Khiêm.
Theo Phụ Nữ Việt Nam