Đáng chú ý, các ca bệnh đều không có yếu tố dịch tễ liên quan và xuất hiện đơn lẻ tại những thôn buôn khác nhau. Điều này gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại địa phương này.

Đang điều trị bệnh bạch hầu trong khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm của Trung tâm y tế huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, chị H’Yum Bdap, ở buôn KDiê 2, xã Đắk Nuê cho biết: mình bị sốt, đau họng từ hơn 10 ngày trước, được người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện để thăm khám và được chẩn đoán nhiễm bệnh bạch hầu.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, biết mình thật sự nhiễm bạch hầu, chị H’Yum không khỏi hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, đến nay, chị đã yên tâm hơn vì triệu chứng bệnh đã giảm bớt.

Bạch hầu tăng trở lại - Ngành y tế Đắk Lắk chạy theo các ổ dịch-1
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bạch hầu.

“Khi vào đây lúc đầu thì sốt, rồi khám siêu âm, xét nghiệm có kết quả người ta nói bệnh bạch hầu rồi ở đây luôn. Ở đây bác sĩ chăm sóc bảo đừng có buồn, ở đây có thuốc chữa cái này đừng có lo lắng nữa. Đến giờ thì thấy đỡ, khỏe rồi không có lo lắng nữa”, chị H’Yum Bdap lo lắng.

Huyện Lắk là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất hiện bệnh bạch hầu, với 9  ca bệnh. Trong số đó, có 2 trường hợp đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì có chuyển biến nặng, 7 ca còn lại được điều trị tại Trung tâm y tế của huyện.

Để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Trung tâm y tế huyện Lak đã thành lập một khu điều trị bệnh bạch hầu riêng biệt trong Khoa Nội – Nhi- Nhiễm với đầy đủ trang thiết bị và nguồn nhân lực. Hiện 6/7 bệnh nhân đã xuất viện, bệnh nhân còn lại cũng đã có kết quả âm tính với vi khuẩn bạch hầu 2 lần.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Hữu Thiện, trưởng khoa Nội – Nhi –Nhiễm, Trung tâm y tế huyện Lắk cho biết: “Sau khi tiếp nhận ca đầu tiên cũng như trong quá trình điều trị 9 ca tại khoa truyền nhiễm của Trung tâm y tế huyện Lắk, Trung tâm đã có chương trình, có kế hoạch điều trị dự phòng dập tắt dịch.  Tới thời điểm hôm nay, tất cả bệnh nhân  bạch hầu tại huyện Lắk đã được điều trị theo đúng phác đồ và không  có vấn đề tai biến xảy ra cho bệnh nhân”.

Bạch hầu tăng trở lại - Ngành y tế Đắk Lắk chạy theo các ổ dịch-2
Lực lượng y tế kiểm tra hầu họng cho những người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu.

Theo ông Phạm Phú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lắk, khó khăn nhất trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại địa phương chính là các ca bệnh đều không có yếu tố dịch tễ liên quan với nhau và mỗi ca bệnh là một ổ dịch đơn lẻ. Điều này khiến cho ngành y tế phải chạy theo các ổ dịch để khoanh vùng dập dịch.

Cũng theo ông Phú Anh, hiện huyện Lắk  đã hoàn thành việc tiêm chủng tại 3 xã đầu tiên xuất hiện dịch bạch hầu, là xã Đắk Liêng, Bông Krang và Đắk Phơi. Khoảng 40 nghìn liều vắc xin đã được tiêm cho 20 nghìn người dân ở 3 xã này, đạt tỷ lệ trên 90%.

Trong thời gian tới, huyện Lắk dự định sẽ tiêm  cho người dân ở 3 xã Krông Nô, Earbin và Nam Ka. Tuy nhiên, do mới xuất hiện thêm 3 ca bệnh tại xã Đắk Nuê và Nam Ka nên kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu phải thay đổi.

“Trong kế hoạch thì cố gắng cho qua đầu quý I của sang năm là xong, nhưng tình hình như vậy cũng không chắc chắn được bởi vì mình phụ thuộc vào nhiều khâu. Bây giờ mình có làm mà thiếu vắc xin cũng khó, hoặc là có đủ vắc xin cũng không dễ vì số lượng tiêm rất lớn, mình lấy về một lúc cũng bảo quản không được. Còn về bơm kim tiêm thì đến giờ phút này huyện đã mua rồi thì bây giờ chỉ cố gắng tổ chức tiêm thôi. Cách tiêm thì tiêm ở xa trước rồi quay về lần lần. Trong khi tiêm thì điều anh em ở đây vô và sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm để không tập trung bà con đến đông. Chắc kết thúc cũng phải là nửa năm sau”, ông Phạm Phú Anh nói.

Tính đến ngày 14/10, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 48 ca bệnh bạch hầu tại 6 địa phương là  Lắk, M’Drak, Krông Bông, Cư Mgar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột.

Các ca bệnh đều là người dân tộc thiểu số và  nằm trong vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đại bộ phận người dân khu vực này vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh bạch hầu cũng như tác dụng của công tác tiêm vắc xin phòng bệnh.

Do đó, để đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu, ngoài nỗ lực của ngành y tế trong việc dự phòng và điều trị bệnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội và đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh./.

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc