Khi nhắc đến bãi biển, trong đầu chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những cảnh đại dương xanh mênh mông trải dài vô tận cùng bãi cát mịn, trắng xóa. Vậy nhưng, trên thế giới còn có vài bãi biển chẳng thấy cát mà chỉ toàn... thủy tinh.
Đúng, là thủy tinh - thứ nghe tên đã thấy chùn chân, nổi da gà. Vậy nhưng khi xem những bức ảnh này, bạn sẽ gạt bỏ tất cả nghi ngờ mà muốn xách balo lên đi luôn.
Bãi biển thủy tinh đẹp nhất thế giới
Đổ rác ra bãi biển là một hành vi đáng lên án gay gắt. Những bãi biển ngập rác cũng chẳng thể thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, một khi đã có "bàn tay nhào nặn" của mẹ thiên nhiên, điều tưởng chừng như không thể lại hóa có thể.
Đó là câu chuyện của bãi biển thủy tinh ở Vịnh Ussuri, gần Vladivostok, Nga. Nhìn những "viên đá" đủ sắc màu long lanh trên bờ biển, ai mà nghĩ rằng nơi đây từng là... một bãi rác thải.
Theo Bored Panda, vịnh này trước đây là một bãi rác đầy chai lọ thủy tinh và đồ sứ. Sau nhiều năm được sự can thiệp của chính quyền, hành vi vứt rác đã bị ngăn cấm. Bãi biển hoang vắng chẳng có ai thèm đặt chân đến.
Thế rồi, nhờ có sức mạnh tuyệt vời của mẹ thiên nhiên, ngày nay vịnh đã trở thành một trong những bãi biển đẹp và độc đáo nhất trên thế giới. Bởi trong hàng chục năm, những con sóng của biển Bắc Thái Bình Dương đã bào mòn, làm mịn những mảnh vỡ của các chai lọ thành hàng triệu "viên đá cuội" đầy màu sắc.
Từ một bãi rác hoang phế vô danh, bãi biển trở thành điểm du lịch mà du khách thập phương phải bỏ tiền ra mới có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp lạ lùng.
Thậm chí, trước kia, vịnh Ussuri từng bị coi là nơi nguy hiểm, nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt của chính quyền địa phương. Vậy mà nay, nó được biết đến dưới cái tên mỹ miều: bờ biển thủy tinh.
Bãi biển thủy tinh “Glass Beach”, gần vùng Fort Bragg, bang California (Mỹ), trước kia cũng là bãi rác khổng lồ chứa đầy những chai lọ thủy tinh do du khách bỏ lại.
Từ năm 1949, khu vực xung quanh bãi biển thủy tinh đã trở thành bãi rác công cộng. Đôi khi người ta phải đốt lửa để làm vơi bớt "núi rác" ngồn ngộn đang đầy lên không ngừng.
Tuy nhiên, tới năm 1967, chính quyền thành phố đã quyết định phong tỏa khu vực đó. Đồng thời, các nhà chức trách cũng áp dụng những biện pháp khắc phục nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và giảm thiểu rác thải tại nơi đây.
Qua nhiều năm, gió và sóng biển đã cuốn đi các loại rác thải nhẹ. Những vật thể nặng hơn như đá, thủy tinh thì nằm sót lại trên bãi biển.
Sức gió và lực vỗ của những cơn sóng đã đánh vỡ những đồ thủy tinh thành các mảnh nhỏ và bào mòn chúng trở nên nhẵn bóng, trơn tru với đủ màu sắc, hình dáng khác nhau, từ đó hình thành nên bãi biển thủy tinh.
Nếu nhắc đến bãi biển thủy tinh mà không nhắc đến Nhật Bản thì thật không công bằng. Tuy rằng bãi biển này không nổi tiếng như ở Nga và Mỹ nhưng cũng là một điểm đến đáng chú ý.
Theo SoraNews24, trước đây, bãi biển này là một bãi đá hoàn toàn bị bao phủ bởi tảo. Đến mùa hè, tảo sẽ phân hủy gây ra thứ mùi hôi thối không ai muốn đến gần.
Sau đó, chính quyền địa phương quyết định dọn dẹp toàn bộ đá rồi bao phủ bãi biển bằng thủy tinh tái chế đã được đập vụn thành những hạt nhỏ li ti.
Bãi biển này được mệnh danh là viên ngọc được giấu kỹ của tỉnh Nagasaki. Nhìn từ xa, bãi biển này không có gì đặc biệt. Nhưng khi đến gần và nhìn kỹ, mọi người sẽ nhận ra những hạt cát lóng lánh không phải là cát, mà chính là hạt thủy tinh nhỏ lấp lánh.
Theo Trí Thức Trẻ