Lễ cúng ông Công ông Táo hay còn gọi là cúng Táo quân thường được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Người ta cho rằng sau lễ cúng đó, các Táo sẽ bay về trời, bẩm tấu về những chuyện xảy ra trong gia đình suốt năm qua với Ngọc Hoàng, tới hôm Giao thừa mới trở về.
Theo phong tục, lễ cúng Táo quân phải được làm tươm tất như 1 lời cầu chúc cho năm mới được sung túc, đủ đầy, cũng là mong muốn các Táo sẽ nương nhẹ, nói tốt về gia đình mình để năm mới được phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Với mong muốn Thần Bếp sẽ "phù hộ" cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến. Vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng.
Bài cúng ông Công ông Táo đúng chuẩn phong tục
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
(Bài cúng ông Công, ông Táo: Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!
Theo Khoevadep