Cuối tháng 5, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) làm việc với đại diện nhóm phụ nữ tập aerobic với tiếng nhạc lớn trước trụ sở UBND quận gây phản cảm.

Tại buổi làm việc, cơ quan chức năng yêu cầu nhóm không mở nhạc công suất lớn để tập luyện thể dục, thể thao tại khu vực công cộng, ảnh hưởng đến văn minh đô thị…

Trình bày với cơ quan chức năng, đại diện nhóm phụ nữ cho biết, đã nhận thức được việc làm của nhóm gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, cam kết không tập luyện tại khu vực trên, đồng thời gỡ bỏ hình ảnh, video đã đăng tải trên mạng.

Trước đó, vào trung tuần tháng 5, hai nhóm phụ nữ ở Thái Bình đã liên tiếp bị xử phạt hành chính vì tập yoga dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Cụ thể, ngày 19/5, nhóm 14 phụ nữ nằm, ngồi tập yoga trên đường giao thông để chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội, dù tuyến đường này có nhiều phương tiện di chuyển qua lại.

Nhóm phụ nữ đã bị UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) mời lên trụ sở để làm việc và lập biên bản vụ việc.

Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Xương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người này về hành vi "Tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông", mỗi người bị xử phạt hành chính 150 nghìn đồng.

Sau đó vài ngày, UBND thị trấn Kiến Xương tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với nhóm 16 phụ nữ khác cũng vì tập trung, nằm, ngồi giữa đường bộ để chụp ảnh với hoa bằng lăng.

Căn cứ biên bản vụ việc và đề xuất của Công an thị trấn Kiến Xương, Chủ tịch UBND thị trấn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm 16 người trên về hành vi "Tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông".

Cần tuân thủ quy tắc sinh hoạt cộng đồng

Theo Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, việc tập thể dục, tập yoga là tốt, giúp vóc dáng đẹp hơn. Tuy nhiên, tập ở đâu, tập như thế nào mới là vấn đề đáng bàn. Nếu tập không đúng chỗ, không đúng lúc, không đúng thời điểm thì có thể là hành vi phản cảm, “đẹp mà không đẹp” và thậm chí còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cũng phải tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không trái với pháp luật, đạo đức xã hội, không gây cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng. 

Theo luật sư, thời gian qua, không ít trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng chuyện tập thể dục lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc. 

Việc sử dụng loa công suất lớn gây ra tiếng ồn nơi công cộng, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, các không gian sinh hoạt chung để thực hiện các buổi tập thể dục cũng tạo ra những hình ảnh phản cảm, gây ảnh hưởng đến nhiều người.

Những hành vi kể trên không chỉ vi phạm quy tắc sinh hoạt cộng đồng, không phù hợp với chuẩn mực xã hội mà còn có thể vi phạm pháp luật.

Theo phân tích của luật sư, tổ chức cá nhân vi phạm về tiếng ồn, gây ra tiếng ồn vượt quá mức cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật để người dân nắm được, tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, tuân thủ pháp luật; kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm bằng chế tài hành chính. Nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội gây rối trật tự công cộng có hậu quả là định tính chứ không định lượng. Bởi vậy, nếu hành vi gây rối được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo dư luận không tốt có thể căn cứ vào Điều 318 để xử lý hình sự nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Theo Vietnamnet