1. Cỏ mần trầu - thuốc không hiếm mà rất quý

Cỏ mần trầu có tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn., thuộc họ Lúa – Poaceae, còn được gọi với những cái tên ngưu cân thảo (cỏ gân trâu), cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng...

Đây là loại cỏ mọc hoang ở rất nhiều các nước nhiệt đới và á nhiệt đới như Lào, Campuchia, Trung Quốc... Ở nước ta, cỏ mần trầu mọc hoang ở các vệ đường, bãi cỏ, thu hái gần như quanh năm.

Cỏ mần trầu ngoài tác dụng làm thức ăn cho gia súc còn được sử dụng từ rất lâu để làm thuốc.

Sách y văn đầu tiên có ghi lại công dụng làm thuốc của cỏ mần trầu là sách Cương Mục Thập Di, trong cuốn sách này, cỏ mần trầu được gọi với cái tên Thiên kim thảo nghĩa là cỏ ngàn vàng. Qua đó có thể thấy người xưa rất coi trọng giá trị của thứ cỏ này.

Theo Đông y, Cỏ mần trầu có công năng thanh nhiệt giải độc, khu phong lợi thấp, tán ứ chỉ huyết.

Chủ trị cảm nắng phát sốt, trẻ em co giật cấp tính, tiểu buốt, tiểu không thông, viêm niệu đạo; dùng phòng trị viêm não B, viêm khớp dạng thấp, viêm gan vàng da, trẻ em tiêu hóa kém, viêm ruột, kiết lỵ.

Ngoài ra cỏ mần trầu còn dùng ngoài đắp trật đả tổn thương, vết thương chảy máu, chó cắn.

Theo GS Đỗ Tất Lợi, cỏ mần trầu là vị thuốc dùng trong nhân dân. Người ta coi mần trầu là vị thuốc mát, có tác dụng chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa sốt rét. Còn có tác dụng làm mát gan.

Liều dùng: Toàn cây mần trầu nhổ cả rễ, rửa sạch, phơi khô, cắt ngắn dùng. Có thể dùng tươi. Liều dùng sắc uống từ 12-20g khô hoặc 40-120g tươi, dùng tươi có thể giã vắt nước uống; dùng ngoài tùy lượng.

2. Bài thuốc để đời chữa bệnh cao huyết áp từ cỏ mần trầu:

Ngoài những tác dụng kể trên, cỏ mần trầu còn được biết đến như là một loại thảo dược chữa bệnh cao huyết áp cực kỳ hiệu quả.

Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS Đỗ Tất Lợi chứng nhận "dùng cỏ mần trầu chữa huyết áp cao có kết quả".

Ngoài ra, trong dân gian miền Nam có lưu truyền một bài thuốc chữa cao huyết áp bằng cỏ mần trầu của một người tên Thanh, vẫn được nhân dân ứng dụng. Bài thuốc như sau:

Nhổ toàn cây, cả rễ. Rửa sạch, thái hay băm nhỏ. Căn chừng 500g. Giã nát. Thêm chừng một bát nước đun sôi để nguội. Vắt lấy nước cốt. Lọc qua vải. Thêm ít đường vào cho ngọt rồi uống. Ngày có thể uống 2 lần vào sáng và chiều.

Đi tìm nguồn gốc bài thuốc, ngay cả những người già ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long cũng không còn nhớ người thầy thuốc nào đã truyền lại bài thuốc.

Chỉ biết rằng nhân dân đã áp dụng bài thuốc này ít nhất là được 3 thế hệ và thấy rằng bài thuốc có hiệu quả tốt.

Ngay cả GS Đỗ Tất Lợi cũng chỉ biết rằng chủ nhân của bài thuốc đó có tên là Thanh. Tuy nhiên việc ghi chép lại bài thuốc này trong cuốn sách của mình chính là sự công nhận của giáo sư đối với hiệu quả của bài thuốc này.

Theo Soha/ trí thức trẻ