Toán học luôn là bộ môn khiến nhiều người đau đầu nhưng ẩn chứa trong những con số là rất nhiều điều thú vị, do đó không ít người cảm thấy hứng thú và chọn nó để theo đuổi trở thành nhà nghiên cứu hoặc giáo viên dạy học.
Những ngành nghề trên đòi hỏi phải thực sự chăm chỉ và luôn phải chuẩn xác nhất là với các thầy cô giáo, những người mang nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho người khác.
Ấy thế mà không ít lần cộng đồng mạng được những phen há hốc mồm vì những màn ra đề kiểm tra và chấm bài thi nhiều lỗi sai, chẳng hạn như trường hợp dưới đây.
Theo đó, một học sinh tiểu học được giáo viên cho làm bài kiểm tra với đề bài như sau: Một cửa hàng gạo có 10.450 kg gạo, cửa hàng đã bán trong 4 tuần, mỗi tuần bán 560 kg gạo. Hỏi cửa hàng còn lại bao nhiêu kg gạo?
Theo như những gì đề bài thể hiện thì học sinh đã có phần bài giải với đáp án chính xác. Học sinh này đã giải bài tập theo 2 bước lời giải gồm bước tính tổng số gạo bán được trong 4 tuần và tính số gạo còn lại.
Thế nhưng không biết vì lý do gì mà đáp án không được giáo viên chấp nhận mà bắt em phải sửa lại bằng cách lấy tổng số gạo ban đầu trừ cho 560 kg (số gạo bán được trong 1 tuần). Điều này khiến cộng đồng mạng không ngừng tranh cãi là cô hay trò đúng.
Tất nhiên, nếu nhìn qua ai cũng cho là học trò đã đúng và giáo viên chắc chắn đã nhầm lẫn trong khi chấm bài. Tuy vậy, một số ý kiến khác đã nghĩ ra nhiều trường hợp cho lý do cô giáo không công nhận đáp án.
Bạn B.D: "Hình như hỏi bị thiếu. Hỏi trong tháng đó còn lại bao nhiêu chứ nhỉ. Hỏi theo tuần thì ở dưới đúng rồi. Còn hỏi theo tháng thì bé nó làm đúng!?"
Bạn T.M lại nghĩ ra giả thiết: "Có thể đề cho sai nên cô báo sửa lại đề nhưng bé không sửa lại đề. Nếu theo đề gốc thì bài toán phải giải 2 lời giải, nhưng chỗ để làm bài chỉ chừa trống để có thể giải 1 lời giải thôi nên chắc cô đã sửa đề thành 'cửa hàng bán được 560kg gạo', bỏ câu 'bán được 4 tuần' đi".
Một tài khoản khác lại bình luận: "Có lẽ cô muốn sửa đáp án thành 10450-(560x4) nhưng vội nên chấm sót!"
Đúng là làm giáo viên không hề dễ vì thầy cô chính là chuẩn mực của kiến thức và cái đúng để học sinh học tập và làm theo. Thế nên, những tình huống gây tranh cãi như thế này cần được hạn chế để không gây hoang mang không chỉ cho học trò mà còn cả phụ huynh.
Theo Trí Thức Trẻ