Năm 1997, tôi nghe tin báo khẩn cấp về cơn bão số 5 được gọi tên Linda qua chiếc tivi trắng đen. Trong phút chốc, gió từng đợt mạnh dần, những con sóng ngoài đê vọng vào âm thanh như tiếng gào của biển cả.
Một lúc sau, đoàn cán bộ, bộ đội đến từng hộ dân yêu cầu, đôn đốc hỗ trợ các gia đình thu xếp, di chuyển lên vùng an toàn. Mẹ cùng anh em chúng tôi khi ấy chẳng thể hình dung được sức ảnh hưởng của bão là gì. Chỉ thấy bên ngoài trời giăng phủ mây đen, cùng màn mưa trắng xóa hoà với sức gió ngày một lớn.
Đến khi được cha bảo gia đình nên thu xếp, chấp hành đúng yêu cầu của các chú bác cán bộ thì mẹ con chúng tôi mới thuận theo, khăn gói lên đường di dân. Cha lúc ấy cũng đang cùng đoàn cán bộ thực hiện nhiệm vụ di dân vào vùng an toàn.
Ảnh minh họa: AI
Tôi được anh Ba xốc lên vai, trên người chỉ phủ tấm cao su mỏng manh, di chuyển theo đoàn người tiến vào con lộ chính của xã. Chúng tôi đi trên đường, mặc tiếng mưa mỗi lúc một nặng hạt.
Anh tôi vẫn tươi tỉnh đánh đá đôi chân kèm câu chuyền bóng sau đó sút vào khung thành như đang mường tượng chính mình là một cầu thủ trên sân cỏ vượt qua chướng ngại vật. Những đứa trẻ chúng tôi thuở ấy chỉ biết bão là mưa nhiều và gió mạnh hơn lúc thường.
Nhưng cũng chẳng được lâu, gió nâng cấp khiến người dân kiệt sức ngồi khụy xuống lùm cây ven đường, lấy lại sức để di chuyển tiếp. Và tiếng hô hào chuyền bóng của anh Ba tôi cũng lặng thinh khi đôi chân anh ngày một nặng trĩu vì sức gió đập vào người.
Sau sự gắng sức, anh em chúng tôi được chỉ dẫn trú tạm trong ngôi trường cấp 2 tại địa phương. Nhưng vừa vào lớp được đôi phút, một cô giáo hớt hải chạy đến yêu cầu anh em chúng tôi mau rời đi vì căn phòng ấy không đảm bảo an toàn.
Vừa vượt qua ngưỡng cửa, giông lốc đã cuốn phăng mái phòng, cây từ trên cao ngã sập xuống. Anh em tôi cùng mọi người cố gắng di chuyển đến ngôi chùa kiên cố cách đó một khoảng không xa.
Thời điểm ấy, tôi đã được nếm trải cảnh tượng kinh hoàng của gió bão lần đầu tiên từ lúc sinh ra. Anh cõng tôi trên lưng, chạy đến đâu thì những cây nhãn cổ bật gốc đổ giáng xuống sau lưng tới đấy.
Có lẽ bây giờ mường tượng lại chẳng khác nào những thước phim hành động kinh hoàng.
Đến được ngôi chùa trong an toàn vẹn nguyên thân thể, có lẽ là phước lành chúng tôi đã may mắn có được. Tôi khi ấy đã thấm mệt vì cơn đói mặc dù chỉ nằm trên lưng anh. Cảm giác đối mặt với giây phút sinh tử của cô bé mới lên 7 với tâm lý bàng hoàng tột độ khiến tôi nhớ mãi về sau.
Một lúc sau, dáng cha ướt đẫm, hớt hải tìm gặp vợ con. Cha chỉ kịp trao đến bọc dưa muối cùng thố cơm để lót dạ rồi rời đi vì nhiệm vụ.
May mắn là bão yếu dần rồi chóng tan. Chúng tôi được trở về nhà, tận mắt thấy bao căn nhà tan hoang vì cơn bão. Cảnh tượng hoang tàn đổ nát của ngôi nhà cùng con mèo mướp và chú chó mặt lấm lem nhọ nồi khi chúng tựa vào nhau trú trong chiếc lò củi khiến mẹ không khỏi xót xa.
Chỉ khoảng đôi ngày, người dân đứng mong ngóng với xúc cảm vui mừng vì được các đoàn cứu trợ từ các thành phố lớn đến tận nơi phát tâm từ thiện sẻ chia mất mát, thiệt hại do bão gây ra. Những thùng mì tôm giấy khi ấy, được anh em chúng tôi xem như báu vật.
Giờ đây, tôi đã ngoài ba mươi. Những ngày qua dõi theo những mất mát đau thương của đồng bào ta sau khi bão lũ cuốn phăng tất cả, lòng tôi lại quặn thắt, xót xa.
Những trận bão năm xưa và cảm giác lần đầu tiên tháo chạy vẫn in đậm thật sâu chẳng thể nào quên trong tiềm thức. Lòng chỉ mong một ngày nắng ấm không xa có thể gieo những hạt mầm của niềm tin hy vọng, sưởi ấm trái tim của bao người vượt qua giông bão.
Theo VietNamnet