Nỗi sợ... nhân viên bán bảo hiểm 

Sự việc diễn viên Ngọc Lan livestream trên Facebook khóc nức nở trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng kéo theo sự chú ý của dư luận những ngày qua.

Theo nữ diễn viên, nhân viên tư vấn đã mập mờ trong việc bán bảo hiểm, còn cô không đọc kỹ nên giờ mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. 

Bán bảo hiểm nhân thọ, bị cả nhóm bạn thân tẩy chay-1
Ngọc Lan khóc nức nở trong livestream trước nguy cơ mất tiền tỷ khi mua bảo hiểm (Ảnh cắt từ clip).

Sự việc này kéo theo hai luồng ý kiến, một bên cho rằng phía bảo hiểm mập mờ, "bẫy" khách hàng và bên còn lại "chỉ lỗi" của khách hàng do không đọc ký hợp đồng.

Nhất là sau trả lời phỏng vấn của đại diện phía công ty bảo hiểm này cho rằng diễn viên Ngọc Lan hồ đồ, thiếu hiểu biết và... lười thì sự việc tiếp tục khơi lên nhiều tranh cãi. 

Chưa bàn đúng sai trong sự việc trên nhưng câu chuyện này phần nào cho thấy thực trạng về nghề tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ - công việc bùng nổ trong những năm thu hút nhiều người trái ngành tham gia mà chất lượng nhân sự chưa được quan tâm, kiểm soát đầy đủ.

Từ giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên truyền thông, bác sĩ hay người về hưu... một ngày bất ngờ đều có thể xuất hiện trong trang phục công sở chỉn chu, lịch sự với vai trò tư vấn bảo hiểm.

Nghề tư vấn bảo hiểm cần nhất là mối quan hệ, sự kết nối nhưng thực tế không ít người khi theo công việc này thì người xung quanh... né tránh. Lâu nay, việc bán bảo hiểm còn được gọi một cách ví von là "nghề... mất bạn". 

Chị Nguyễn Lan Anh, ở quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết, trong nhóm bạn thân hồi đại học của chị có cô bạn tên Sâm, từ kế toán chuyển qua đi bán bảo hiểm ba năm nay. Chuyện chẳng có gì cho đến khi cô bạn tung đủ chiêu mời mọc, chèo kéo bạn bè mời mua bảo hiểm đến mức gây khó chịu.

Mỗi lần cả nhóm gặp gỡ đều bị cô bạn "tra tấn" toàn chuyện... bảo hiểm. Vài người trong nhóm lỡ mua vì cả nể chứ không hiểu tường tận về sản phẩm càng ấm ức hơn. 

Với chị Lan Anh, người bạn thường xuyên nhắn tin, gọi điện mời mua bảo hiểm. Ngay cả các bài đăng trên Facebook của chị, nữ nhân viên cũng vào bình luận, kiểu "mang một gói bình yên về cho gia đình thôi mày ơi".

Sinh nhật con, chị cũng không được tha, người bạn lại vào thả tin nhắn "hãy bảo vệ con ngay khi có thể đi".

Mời bất thành, cô bạn quanh sang năn nỉ chị ủng hộ cho gói để đạt doanh thu, để hoàn thành mục tiêu chinh phục vị trí, hay là chuyến đi du lịch này kia. Đi cùng đó là những lời kiểu như "chỉ cần một gói bảo hiểm là mày trở thành ân nhân của tao", "lời nguyện cầu trời xanh đang gọi tên Lan Anh đó"...

Với cô bạn, Lan Anh tự nhiên thấy mình giống như... con nợ.

"Phải nói rằng, cô bạn xuất hiện ở đâu là tôi căng thẳng, khó chịu đến đó. Giờ đây cả nhóm gặp mặt đều không gọi Sâm, nhắc đến Sâm là... mọi người đều khiếp. Tôi xem như mình mất một người bạn", chị Lan Anh nói. 

Bán bảo hiểm nhân thọ, bị cả nhóm bạn thân tẩy chay-2
Nhiều người rất "sợ" nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ (Ảnh minh họa).

Không đánh đồng tất cả nhưng chị L.M.N, ở Đồng Nai cũng block (chặn) hầu hết tài khoản những người bạn bán bảo hiểm. Chị thấy mình bị "đeo bám" không khác gì con nợ. 

Có người bạn thân mời chị đến dự "chương trình này hay lắm" nhưng cách nói mập mờ. Khi đến thấy hội nghị về bảo hiểm, chị rất bực mình thì người bạn đưa sản phẩm ra giới thiệu. Chị đã rất nhiều lần phải tìm cách từ chối nhưng bên kia vẫn không buông.

Có người còn tư vấn cho chị theo kiểu hù dọa khi đưa những thông tin, hình ảnh về chết chóc, tai nạn.

Là người làm việc trong lĩnh vực tài chính, chị N. ít nhiều hiểu về lợi ích của bảo hiểm nhân thọ nhưng chị rất ức chế khi "đụng" nhiều nhân viên trong nghề tiếp cận rất phản cảm. 

Có lần, chị bình luận trong một diễn đàn "Hãy tìm hiểu kỹ trước khi mua bảo hiểm nhân thọ", lập tức một loạt nhân viên ngành này vào tấn công, gây gổ. Có người còn rủa chị khi nào bản thân hoặc con cái bị tai nạn, bị ung thư thì "sáng mắt ra".

Theo chị N., nhân viên tư vấn bảo hiểm bị người xung quanh "tẩy chay" một phần vì nhiều người chưa hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ. Nhưng ác cảm nặng nề đến từ việc cách làm, thái độ, cách tiếp cận của những nhân viên tư vấn phản cảm, gây khó chịu, ức chế với khách hàng, chưa nói đến vấn đề chuyên môn.  

Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 177.303 tỷ đồng, tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới giai đoạn này ước đạt 37.677 tỷ đồng tăng 6,35 % so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường ước đạt là 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Quyết định 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2023 về chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng là đến năm 2025 có 15% và năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Không thể phủ nhận vai trò và sự tăng trưởng cũng như tiềm năng phát triển của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, thực tế, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đã vượt qua khả năng đáp của nguồn nhân lực trên thị trường.

Theo kết quả đánh giá uy tín của các công ty bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện, có đến 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Đáng chú ý, 40% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát có tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành bảo hiểm chỉ dưới 10%. 

Nguồn nhân lực phù hợp, được đào tạo chuyên môn được xem là thách thức của lĩnh vực bảo hiểm. Nhiều công ty "lấp chỗ trống" nhân sự bằng dân "tay ngang" nên ai ai cũng có thể trở thành nhân viên bán bảo hiểm. 

Làm không đúng chuyên ngành đào tạo, nhiều nhân viên tư vấn bảo hiểm không có chuyên môn, kiến thức. Họ chạy theo mục tiêu là làm sao bán được sản phẩm, chinh phục mục tiêu này nọ mà bỏ quên quyền lợi và cả cảm xúc của người khác.

Theo Dân Trí