Tôi cưới chồng được 4 năm. Vợ chồng tôi chỉ là nhân viên công ty bình thường, có thu nhập ổn định nhưng so với cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô thì vẫn khá thiếu thốn. Chúng tôi luôn cố gắng tiết kiệm, nhịn ăn nhịn tiêu để nuôi con.
Trái ngược với vợ chồng tôi, nhà chị chồng lại khá giả. Chị kinh doanh rất đông khách ở chợ, anh rể làm giám đốc nên có của ăn, của để.
Nhà chồng có mỗi 2 chị em nên vì thương chúng tôi nghèo khó, chị thỉnh thoảng gửi sang ít đồ ăn, vào ngày lễ Tết cũng cho chút tiền tiêu hay mua quà cho cháu.
Tôi biết chị là người hào phóng, thương vợ chồng tôi và con tôi nên mới hay cho này, cho kia. Nhưng không biết có phải do chị làm ở chợ không mà đôi lúc, phong cách ăn nói, cư xử của chị khiến tôi chạnh lòng, khó chấp nhận.
Mỗi lần gặp vợ chồng tôi, chị luôn tỏ ra trịch thượng, coi chúng tôi như những người thiếu hiểu biết. Gia đình có việc gì cần bàn bạc, chị luôn gạt đi ý kiến của nhà em trai với lý do "biết gì đâu mà nói".
Tôi mang ơn nhưng cũng rất mệt mỏi vì chị chồng (Ảnh minh họa: KD).
Đặc biệt, chị rất hay kể lể chuyện cho chúng tôi những gì, nào là mấy cân gạo, nào là bao nhiêu quả trứng, nào là mấy bộ quần áo hay mấy triệu đồng... Chị cũng không quên nhắc nhở, thậm chí là nhắc đi nhắc lại, việc chúng tôi phải biết ơn nhà chị, rằng không có chị, chắc chúng tôi không sống nổi ở thành phố.
Thực sự tôi rất mang ơn chị và không bao giờ dám quên những thứ chị cho. Nhưng nghe những lời chị nói, sao tôi có cảm giác đay nghiến, nhiếc móc và làm cho mình xấu hổ, tự ti vô cùng. Nhiều lần tôi giận lắm mà vẫn phải nuốt nước mắt vào trong.
Thấy vợ sắp nổi nóng, chồng tôi lại an ủi, bảo chị chồng có tính "phổi bò", nói vậy thôi chứ không nghĩ vậy. Anh khuyên mình là phận làm em, cũng cậy nhờ nhà chị nhiều nên ăn nói cần biết giữ mồm, giữ miệng.
Tháng tới là giỗ bố chồng tôi, mọi người trong nhà đang bàn bạc về chuyện cỗ bàn, khách khứa. Chị chồng tôi vẫn thích mời càng đông khách càng tốt như hồi giỗ đầu cho hoành tráng nhưng vợ chồng tôi lại nghĩ không nên.
Theo chúng tôi, năm ngoái bố chồng mất, nhà tôi từng mời rất đông khách và còn mời đến mấy lần vào dịp 49 ngày, 100 ngày rồi giỗ đầu. Ai giờ cũng bận bịu, nhiều việc, chưa kể lúc tới có ăn không đâu mà cũng phải mang theo quà cáp.
Gia đình mình mời nhiều lần sẽ làm phiền người ta, chưa kể có người sẽ nghĩ mình đang "cày", như thế rất mất hay. Từ giờ, những ngày giỗ của bố chỉ cần tự làm mâm cơm, cả nhà con cháu quây quần cho ấm cúng.
Nghe vợ chồng tôi nói vậy, chị kịch liệt phản đối. Chị bảo chúng tôi thiển cận, giỗ bố cần làm to để nở mặt, nở mày với hàng xóm. Hơn nữa, phần lớn cỗ bàn là do chị bỏ tiền, nhà tôi không đóng góp được bao nhiêu nên không có quyền lên tiếng. Chị mắng chúng tôi đã nghèo còn ra vẻ "làm sang".
Tôi thực sự không thể nhịn người chị chồng này được nữa, chị ấy quá coi thường chúng tôi.
Lần đầu tiên kể từ khi về làm dâu, tôi dám lớn tiếng với chị: "Chị ơi, bố là bố chung, ai cũng có quyền đóng góp ý kiến. Còn về chuyện tiền bạc, chị bỏ ra nhiều thì chị cũng là người thu phong bì của khách về, bọn em có bao giờ tơ hào. Chị luôn bảo chúng em không biết gì, nhưng chúng em cũng đã học xong đại học rồi chị ạ".
Động đến vấn đề học thức, chị chồng lại được thể gào lên chửi mắng các em. Chị bảo, chúng tôi ra vẻ khinh chị chỉ học hết cấp 3. Tuy nhiên, chị vẫn kiếm tiền giỏi hơn vợ chồng tôi học đại học mà vẫn vô tích sự.
Hai bên nói qua nói lại khiến mẹ chồng tôi bật khóc. Bà bảo không cần đứa con nào lo hết, bà sẽ tự làm giỗ chồng một mình.
Vài tuần nay, nhà tôi và nhà chị chồng vẫn đang "chiến tranh lạnh". Chồng tôi muốn tôi sang xin lỗi chị, dù sao mình cũng là phận em, còn chị chung quy chỉ muốn tốt cho gia đình nhưng tôi nhất quyết không chịu.
Tôi thấy bản thân chẳng làm gì sai, chị ấy không có quyền khinh rẻ vợ chồng tôi như thế. Ai nói tôi vô ơn cũng được, tôi mặc kệ.
Tuy nhiên, nhớ lại hình ảnh mẹ chồng bật khóc khi các con cãi vã, tôi có chút chạnh lòng. Liệu tôi có nên "xuống nước" để gia đình êm ấm? Ngày giỗ bố chồng sắp đến gần, nhà có 2 chị em mà bất đồng, khách khứa lại cười cho đúng không?
Theo Dân Trí