Bạn có đang phạm phải các sai lầm này khi chăm sóc răng miệng?

Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nướu, răng và mùi hơi thở.

Chọn bàn chải

Việc chọn lông bàn chải cứng sẽ khiến nướu của bạn bị tổn thương, chưa kể nó còn khiến men răng của bạn có nguy cơ bị rạn nứt. Do đó, để bảo vệ răng, hãy chọn loại bàn chải có lông chải mềm. Ngoài ra, kích thước răng mỗi người không giống nhau. Bàn chải có kích cỡ quá nhỏ hoặc quá lớn sẽ khiến răng miệng bạn bị tổn thương. Chưa kể đến việc, dùng bàn chải đúng kích cỡ sẽ khiến bạn thoải mái hơn khi đánh răng và giúp sử dụng nó đúng cách.

Không thay bàn chải thường xuyên

Thông tường, khoảng thời gian thích hợp để thay bàn chải là khoảng 3-4 tháng/lần. Tuy nhiên, thay vì áp dụng một thời gian cứng nhắc trong việc thay bàn chải đánh răng thường xuyên, bạn nên kiểm tra lông của bàn chải. Một khi các sợi lông mất tính linh hoạt bình thường của nó và bắt đầu loe ra thì bạn nên thay đổi bàn chải đánh răng để đạt được hiệu quả tốt.

Không chọn đúng kem đánh răng

Việc lựa chọn kem đánh răng cũng quan trọng không kém gì việc chải răng đúng cách để răng miệng sạch sẽ và không làm hỏng men răng của bạn. Bạn nên chọn loại có chứa thành phần tự nhiên vì nó sẽ giúp ức chế sự phát triển của mảng bám và bảo vệ nướu lợi. Việc chọn và sử dụng sai kem đánh răng sẽ không chỉ làm mất tác dụng ngừa sâu răng mà còn có thể dẫn đến nhưng tổn hại với hàm răng.

Đánh răng bằng nước lạnh

Đánh răng bằng nước lạnh dễ làm tổn hại đến ngà răng, khiến răng nhạy cảm đồng thời không tạo điều kiện cho các chất trong kem đánh răng phát huy tác dụng. Thành phần chính trong kem đánh răng là chất fluoride. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thấy rằng thành phần này đóng một vai trò quan trọng và có tác dụng tốt trong nhiệt độ tối ưu là 37 độ C. Các nha sĩ khuyến nghị bạn nên đánh răng bằng nước ấm vì đó là môi trường nhiệt độ gần với nhiệt độ cơ thể.

Đánh răng quá nhanh hoặc quá lâu

Đánh răng là để loại bỏ các mảng bám trên răng. Mảng bám nha khoa là một loại vi khuẩn không màu gắn liền với bề mặt của răng và nướu. Đây là thủ phạm gây sâu răng và viêm nướu. Để tiêu diệt được các loại mảng bám này, các chuyện gia đều khuyên chải răng từ 2-3 phút 1 lần. Nếu chải răng nhanh quá thì mảng bám vẫn còn, không thể làm sạch được răng. Còn nếu đánh răng lâu quá rất dễ gây tổn hại cho lợi và men răng.

Đánh răng quá nhiều lần

Đánh răng quá nhiều lần trong ngày có thể khiến men răng bị mòn, răng dễ bị kích thích và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nướu. Đánh răng mạnh cũng có thể xói mòn men răng. Do đó, đánh răng 2-3 lần/ngày sau bữa ăn được các nha sĩ khuyến cáo là tốt hơn cả.

Không vệ sinh bàn chải sạch sẽ sau khi đánh răng

Bàn chải có thể là chỗ ẩn chứa của hàng loạt loại vi khuẩn gây hại khác nhau, vi khuẩn có thể phát triển trên bàn chải đánh răng nếu bạn không rửa bàn chải kĩ càng sau khi đánh răng. Vì thế bạn nên rửa bàn chải kĩ lưỡng, giúp loại bỏ kem đánh răng còn sót lại. Đây là bước quan trọng để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn.

Bạn nên dựng đứng bàn chải để nhanh khô. Đặt bàn chải ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với bàn chải đánh răng của người khác. Trước khi lấy kem đánh răng, rửa sạch bàn chải với nước ít nhất trong 1-2 phút. Có thể nhúng bàn chải đánh răng vào nước sôi. Mặc dù cách này sẽ làm các lông bàn chải yếu đi, nhưng lại hiệu quả trong việc giết chết hàng triệu con vi khuẩn còn bám trụ trong bàn chải. Áp dụng phương pháp này 1 lần/tuần để hạn chế tối đa hư tổn cho bàn chải mà vẫn đảm bảo an toàn.

Không dùng chỉ nha khoa

Sâu răng hình thành thường xuyên ở những vị trí giữa hai răng. Sau khi ăn, thậm chí cả sau khi đánh răng, vi khuẩn vẫn có thể bị mắc kẹt ở đó và sản xuất hóa chất ăn mòn men răng, lâu ngày dẫn đến sâu răng hoặc khiến hơi thở của bạn không được thơm tho. Việc làm sạch hoàn toàn những vị trí này không phải đơn giản. Do đó, nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ những thức ăn len lỏi trong kẽ răng – nơi bàn chải khó có thể tiếp cận.

Việc chăm sóc răng miệng đúng cách sẽ mang lại một hàm răng khỏe mạnh, trắng bóng. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ qua việc khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra toàn diện sức khỏe răng miệng nhé.

Theo Trí Thức Trẻ


sức khỏe răng miệng lưu ý cho sức khỏe

Tin tức mới nhất