Trước làn sóng bức xúc, yêu cầu Facebook xin lỗi của người dùng Việt Nam, lãnh đạo cấp cao Facebook tiếp tục khẳng định vụ hiển thị chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc tại bản đồ quản lý quảng cáo và mật độ livestream là “lỗi kỹ thuật” và không bình luận thêm về động thái tiếp theo.
Tuy nhiên, giải thích này từ phía Facebook không thuyết phục đối với giới nghiên cứu quốc tế. Đây là vấn đề mang tính hệ thống, đã có tiền lệ và không có gì đảm bảo không tiếp tục xảy ra trong tương lai.
'Lỗi kỹ thuật' và không xin lỗi Việt Nam
Trả lời Zing.vn qua email tối ngày 4/7 (giờ Việt Nam), ông Javier Olivan, Phó chủ tịch phụ trách tăng trưởng của Facebook, giải thích ngắn gọn: “Đây là lỗi kỹ thuật. Chúng tôi đã khắc phục”.
Đây là luận điểm duy nhất Facebook đã dùng trong suốt tuần qua khi được hỏi về trách nhiệm của mạng xã hội này đối với bản đồ gộp Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.
Ông Olivan nói thêm, nếu cần thêm thông tin, có thể liên lạc với bà Debbie Frost, Giám đốc truyền thông của Facebook. Zing.vn tiếp tục đặt câu hỏi đối với bà Frost về trách nhiệm của Facebook đối với các vấn đề sau:
Javier Olivan, Phó chủ tịch phụ trách tăng trưởng của Facebook. Ảnh: Trang Linkedin của Javier Olivan.
Thứ nhất, nếu khẳng định đây đơn thuần là “lỗi kỹ thuật”, Facebook đã có những động thái khắc phục nào?
Thứ hai, Facebook sẽ tuân thủ các nguyên tắc quốc tế liên quan đến vùng tranh chấp như thế nào để đảm bảo không còn những “lỗi kỹ thuật” tương tự trong tương lai?
Thứ ba, vấn đề này liên quan đến chủ quyền quốc gia. Facebook có cho rằng mình cần xin lỗi người dân và chính phủ Việt Nam?
Thứ tư, phản ứng của Facebook đối với quan điểm cho rằng: Thị trường Trung Quốc quá lớn và quá hấp dẫn khiến cho Facebook và các công ty công nghệ lớn khác sẽ luôn sẵn lòng chiều theo các yêu sách của Trung Quốc nhưng đồng thời luôn tìm mọi cách để lách luật ở nhiều nước khác?
Bà Debbie Frost chưa phản hồi những câu hỏi này (ngày 4/7 là Quốc khánh Mỹ).
'Lỗi kỹ thuật' chỉ là chống chế
Theo các chuyên gia quốc tế, luận điểm “lỗi kỹ thuật” chưa bao giờ mang tính thuyết phục.
Tiến sĩ Sarah Logan, chuyên gia về an ninh mạng thuộc Đại học New South Wales (Australia), nhận định với Zing.vn: “Facebook gọi sai sót này là một lỗi thuần túy kỹ thuật, nhưng khó lòng chỉ là một sai sót kỹ thuật. Dẫu cho đó thật sự là lỗi kỹ thuật, mô thức chung về việc công nhận tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc theo hướng có lợi cho Bắc Kinh là việc có tiền lệ”.
Facebook thừa nhận "lỗi kỹ thuật" về hiển thị sai lệch bản đồ chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình.
Bà Logan dẫn lại một bài báo năm 2016 của Wall Street Journal đưa tin rằng Google Maps, truy cập từ lãnh thổ Trung Quốc, gọi tên những khu vực tranh chấp theo tuyên bố của Trung Quốc và nhận định trong trường hợp Biển Đông, “Google luôn lập luận rằng họ hành xử theo luật lệ địa phương trong các tranh chấp như vậy, và lập luận của Facebook cũng có thể sẽ tương tự nếu họ bị gây áp lực”.
Các chuyên gia đã chỉ ra: Trung Quốc đã và đang dùng kích cỡ và sức hấp dẫn của thị trường này để buộc các công ty đa quốc gia phải chiều theo các yêu sách về chủ quyền nếu muốn làm ăn tại đó.
Hồi cuối tháng 6, Guardian dẫn một nghiên cứu cho thấy hệ thống chấm điểm uy tín công dân của Trung Quốc đang vươn ra khỏi biên giới nước này và ảnh hưởng lên cả các công ty nước ngoài. Hệ thống này vốn được biết đến như một công cụ kiểm soát khổng lồ như cách được miêu tả trong các tiểu thuyết "phản địa đàng" của George Orwell, nơi các công cụ dữ liệu lớn và AI sẽ chấm điểm công dân dựa trên hành vi xã hội, chính trị và kinh tế của họ. Chính phủ Trung Quốc hướng đến việc áp dụng hệ thống này cho 1,3 tỷ dân vào năm 2020.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác ít được chú ý hơn, một báo cáo gần đây của học giả Samantha Hoffman tại Viện Chính sách Mạng Quốc tế ASPI tại Canberra nói rằng quyền lực của hệ thống này sẽ vượt khỏi biên giới Trung Quốc và nó đã bắt đầu "uốn nắn" hành vi của các công ty nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu của Bắc Kinh.
"Nó có nguy cơ can thiệp trực tiếp đến chủ quyền của các quốc gia khác", bà nói.
Công ty quốc tế bị ép theo quan điểm Trung Quốc?
Từ ngày 1/1/2018, tất cả các công ty có giấy phép hoạt động tại Trung Quốc cũng đã bị đưa vào một hệ thống đánh giá uy tín. Ví dụ rõ ràng về sức mạnh của hệ thống này là việc chính quyền Trung Quốc gây sức ép buộc các hãng hàng không quốc tế phải định danh Đài Loan và Hong Kong theo cách Bắc Kinh muốn.
Giáo sư Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) nhận định với Zing.vn: “Người Trung Quốc đã tốn cả năm qua để cố gắng buộc các tập đoàn chấp nhận quan điểm của họ. Chúng ta đã thấy các hãng hàng không bị trừng phạt khi không xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Giờ thì họ cố gắng buộc mọi nhà vẽ bản đồ trên thế giới phải cho ra một bản đồ với đường 9 đoạn. Họ sẽ luôn sử dụng thị trường của họ (hoặc thị trường tiềm năng, trong trường hợp của Facebook) để ép các công ty chấp nhận lập trường của họ".
"Việc này không có tác dụng về mặt pháp lý nhưng sẽ 'đại chúng hóa' tuyên bố của Trung Quốc", ông nói.
Theo bà Logan, trong bối cảnh các toan tính lợi nhuận đang điều khiển quyết định về cách đặt tên phần lãnh thổ, chuyện không quá xa xôi là trong trường hợp xảy ra tranh chấp về cách đặt tên, quan điểm của Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong và các công ty sẽ lựa chọn lợi thế thị trường, dù đó là bên ngoài phạm vi Trung Quốc, như điều đã xảy ra gần đây trong lĩnh vực hàng không và khách sạn.
Bà Logan nhận định: “Nếu Việt Nam lên tiếng phản đối, Facebook sẽ quan tâm, nhưng có lẽ mối quan tâm không đủ lớn để họ ngừng việc đang làm. Họ sẽ tìm một giải pháp kỹ thuật để người dùng Việt Nam không thấy được nội dung bị phản đối đó thôi”.
Bức xúc trước hành xử của Facebook nhưng anh Ngô Nguyệt Hữu cũng bày tỏ trên trang cá nhân: “Facebook bạc bẽo với gần 60 triệu tài khoản Việt Nam là điều bình thường vì Mark Zuckerberg chỉ biết đến quyền lợi của mình. Thị trường Trung Quốc là thứ họ thèm khát. Hãy nhìn cách Mark xin Tập Cận Bình đặt tên cho con đầu lòng và bị từ chối”.
Theo Zing