Tôi và bạn gái yêu nhau hơn một năm. Khoảng thời gian ấy chưa dài nhưng đủ để cả hai nhận ra có nhiều điểm chung về mọi phương diện. Bạn gái tôi thuộc túyp hiền lành, ít nói, kín đáo, nghiêm túc, là mẫu người tôi rất thích. Vậy nên, tôi muốn "đánh nhanh, thắng nhanh" khi quyết định đưa bố mẹ về quê em làm lễ dạm ngõ vào Tết vừa rồi.
Trong hơn một năm yêu nhau, tôi và bạn gái chưa từng vượt quá giới hạn. Nói đúng hơn, bạn gái luôn tìm cách né tránh "chuyện đó". Cô ấy nói, quan điểm cá nhân cô ấy không thích "ăn cơm trước kẻng", hy vọng bạn trai có thể tôn trọng mong muốn của cô ấy, giữ cho cô ấy đến khi kết hôn.
Thời đại này, quan điểm của bạn gái tôi nghe có vẻ hơi cổ hủ nhưng cũng không phải không tốt. Cho nên dù những lúc bên nhau, cảm xúc tuôn trào, tôi vẫn cố gắng để không khiến cô ấy phiền lòng. Tôi không muốn cô ấy nghĩ tôi là kẻ thô tục, tìm mọi cách chiếm đoạt cô ấy.
Bạn gái không cho tôi "ăn trái cấm" chỉ vì những nỗi lo vớ vẩn (Ảnh minh họa: Adobe Stock).
Đó là suy nghĩ của tôi trước đây, khi hai đứa còn yêu nhau, chưa xác định chuyện đường dài. Còn từ sau Tết, khi hai bên cha mẹ đã gặp gỡ để bàn tính chuyện hôn nhân, thâm tâm tôi đã coi cô ấy như vợ chưa cưới của mình. Hai người yêu nhau, đã xác định cưới hỏi, chuyện "thân mật" cũng là thường tình. Nhưng bạn gái tôi không nghĩ vậy.
Cô ấy cự tuyệt "chuyện đó", dù có những lúc hai đứa bên nhau, cảnh lẫn tình đều đầy cảm xúc. Điều đó khiến tôi cảm thấy khó chịu, cảm giác như cô ấy không tin tưởng mình, hoặc cô ấy yêu tôi chưa đủ nhiều để có thể trao gửi mình cho tôi.
Khi tôi nổi cáu nói ra điều đó, cô ấy khóc. Cô ấy kể rằng, hồi xưa mẹ cô ấy đến với bố khi không còn trong trắng. Nhiều năm sau đó, mẹ cô ấy sống trong sự mỉa mai, khinh bỉ của chồng vì "sống dễ dãi, buông thả, không biết giữ mình".
Bài học đầu tiên mẹ cô ấy dạy khi con gái bắt đầu tuổi dậy thì chính là không tin bất cứ lời mật ngọt nào của đàn ông, kiên quyết giữ mình, cũng là cách giữ sự tôn trọng của người khác dành cho mình.
Cô ấy nói yêu tôi, tin tưởng tôi nhưng lại lo lắng "30 chưa phải là Tết". Dù đã làm lễ dạm ngõ, chúng tôi cũng chưa phải là vợ chồng. Chẳng may vì lý do gì đấy mà chúng tôi không tiến tới hôn nhân, người chồng sau này của cô ấy sẽ không tôn trọng cô ấy, giống như mẹ cô ấy từng trải qua.
Nghe bạn gái nói, tôi chỉ biết lắc đầu chán nản. Với tư tưởng này, có khi cưới nhau rồi cô ấy cũng không cho tôi "động phòng" vì "lỡ may anh mất thì em làm sao tái hôn khi không còn trong trắng?", biết đâu là vậy đấy.
Tất nhiên, tôi không đến mức không thể chờ được đến ngày cưới. Nhưng không hiểu sao, tôi thấy tâm lý và tư tưởng của bạn gái có chút vấn đề. Có thật lý do như bạn gái nói hay còn có uẩn khúc gì khác khiến cô ấy lo lắng và sợ hãi "chuyện ấy" đến vậy không?
Theo Dân Trí