Bắp cải cuốn nhót xanh
Đây là món cực kì nổi tiếng và là món đặc trưng của núi rừng Điện Biên. Ai cũng bảo nếu đã lên đây rồi thì nên tìm ăn món này một lần. Không hiểu là món ăn này có gì mà hấp dẫn đến vậy.
Quả thật, để món bắp cải cuốn trở nên ngon phải kể đến thứ nước chấm “thần thánh” là chằm chéo. Mà cái lạ của cái món này là mọi người càng đông thì lại càng vui, ăn lại càng ngon. Đặt miếng nhót, rau mùi, lá tỏi từ từ cuốn vào miếng bắp cải và khẽ chấm vào bát nước chằm chéo. Chao ôi ta phải suýt xoa sao mà cái vị của nó lại ngon đến lạ kỳ như vậy.
Sâu chít Điện Biên
Đây là một loại sâu nằm trong thân cây chít, những cây nào mà có sâu thường không thể nào ra hoa được. Sâu chít có màu trắng sữa, mũm mĩm trông rất ngon lành. Người dân sau khi bắt sâu về sẽ thả vào trong hủ rượu để cho sâu không bị biến đổi, sau khi đã ngấm chút rượu vào người những chú sâu trở nên căng mọng. Lúc này, mọi người vớt sâu ra chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như là sâu chít xào trứng, sâu chít khô nấu cháo...
Xôi nếp hương
Cách làm món xôi này cũng không có gì khác lắm so với những loại xôi thông thường thế nhưng điều đặc biệt làm cho món xôi này trở nên ngon hơn hẳn chính là nguyên liệu đặc biệt của lúa nếp hương. Những hạt lúa nếp căng tròn mềm dẻo được ngâm trong nhiều giờ liền để hạt lúa được mềm ra, khi đồ lên thì xôi mới mèo dẻo được. Sau khi đồ lần thứ nhất thì đổ ra rá rồi trải đều cho hạt xôi tơi ra, để một lúc cho vào đồ tiếp cho đến khi xôi chín đều.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu khô là một món ăn mà bất kì người nào từng ghé qua Sơn La đều nên nếm thử bởi hương vị quá đỗi đặc biệt của nó mà không nơi nào có thể có được. Từng thớ thịt đỏ au sau khi được tẩm ướp gia vị riêng và được hun trên gác bếp trở nên săn lại, khi muốn ăn chỉ cần nướng sơ qua một chút trên than hồng là đủ làm cho thịt mềm. Để có thể thưởng thức món ăn này chỉ có thể vào dịp tết hoặc lễ cúng lớn thì người ta mới để lại một ít để làm món này.
Chẳm chéo
Đây là một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Người ta ví món này giống muối vừng của người Kinh. Nó được làm từ quả của cây mắc khén, sau khi thu hoạch về người ta sẽ rang giòn và giã thật mịn trộn lẫn với ớt khô, rau mùi tàu khô, sả. Chẳm chéo thường được làm thành nước chấm cho các món ăn như bắp cải cuốn nhót xanh, thịt trâu khô, xôi...
Rau hoa ban
Vào tháng 3 khắp núi rừng Điện Biên sẽ phủ trắng xóa hoa ban. Người dân thường sử dụng hoa ban và lá ban non để chế biến thành những món ăn hằng ngày như hoa ban xào thịt, nộm hoa ban...tạo nên những hương vị rất riêng và đặc biệt.
Bánh dày
Để có được những lát bánh dày thơm ngon, thuần khiết người Mông ở Điện Biên đã phải kì công, kén chọn nguyên liệu để cho ra đời những mẻ bánh khiến cho thực khách ăn một lần là nhớ mãi mãi. Các công đoạn của bánh bắt buộc phải làm thủ công nên tốn khá nhiều thời gian, sau khi giả nhuyển sẽ được gói bằng lá dong rừng. Bánh được ăn cùng với chả giò hay chỉ cần nướng trên lửa than là cũng đủ để lại hương vị khó quên.
Theo Dân Việt