Catherine Renton là một cây viết cho các tạp chí lớn như Cosmopolitant, Health, MetroUk, BBC, The Telegraph… Mới đây cô đã chia sẻ một bài viết trên HelloGiggles nói về trải nghiệm của bản thân với người bạn trai mắc chứng rối loạn cương dương để giúp mọi người hiểu rằng đây không hẳn là một căn bệnh quá tồi tệ.
Dưới đây là chia sẻ của Catherine:
Khi chàng trai bạn hẹn hò được 1 tháng nói với bạn rằng anh ấy bị bất lực, có thể bạn sẽ cảm thấy sốc, đồng cảm hoặc thậm chí là bật cười. Còn với tôi, tôi đã bị bất ngờ.
Bạn trai tôi tên Robbie và anh ấy nói rằng biến chứng của bệnh tiểu đường khiến anh ấy không thể cương cứng từ năm 17 tuổi và thường phải dùng Viagra. Kể từ khi hẹn hò với tôi, anh ấy đã bắt đầu mang một viên thuốc trong ví đề phòng khi cả hai muốn làm “chuyện ấy”.
Ban đầu, tôi đã nghĩ vấn đề này chỉ xảy ra với những người đàn ông lớn tuổi, nhưng không ngờ nó cũng phổ biến ở những người đàn ông trẻ tuổi. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học tình dục cho thấy cứ 4 người thì có 1 người dưới 40 tuổi mắc chứng rối loạn cương dương.
Catherine Renton chia sẻ bạn trai cô mắc chứng rối loạn cương dương.
Robbie nói rằng anh ấy cần phải trung thực với tôi để biết tôi sẽ nghĩ gì và làm gì. Anh cũng chia sẻ các mối quan hệ trước của anh đều chấm dứt vì anh ấy không tự tin với khả năng tình dục của mình. Sự thành thật và đáng thương của anh đã khiến tôi mở lòng mình. Tôi cũng chia sẻ rằng tôi chưa bao giờ “lên đỉnh” khi quan hệ. Những mối quan hệ trước tôi đều phải giả vờ. Chúng tôi có lẽ là một cặp đôi thua cuộc.
Tuy nhiên, tôi không phải là người phụ nữ duy nhất phải giả vờ "lên đỉnh". Một nghiên cứu gần đây của Tạp chí Trị liệu tình dục và hôn nhân cho thấy chỉ có 18% những người tham gia nghiên cứu có thể đạt được cực khoái chỉ nhờ quan hệ xâm nhập.
Và rồi chuyện gì đến cũng đến, tôi và Robbie quyết định làm “chuyện ấy” và anh đã dùng Viagra. Tuy nhiên, loại thuốc này cần một chút thời gian mới có hiệu quả nên chúng tôi chỉ nằm và động chạm nhau. Vì phải đợi chờ nên màn dạo đầu của chúng tôi kéo dài hơn so với những gì tôi từng trải qua. Nhờ đó đã khiến tôi nhận ra rằng lý do mình không thể “lên đỉnh” chính là vì thiếu phần mở màn này.
Robbie và tôi đã quyết định tập trung vào việc kích thích nhau thay vì làm “chuyện ấy”. Nhờ đó chúng tôi dần khám phá ra những vùng trên cơ thể mà chúng tôi thích. Nhờ vào sự bắt đầu đó mà khi quan hệ, chúng tôi dễ dàng "lên đỉnh".
Vấn đề tâm lý là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới những người mắc chứng bất lực. (Ảnh minh họa)
Thực tế, vấn đề ảnh hưởng nhất tới những người mắc chứng rối loạn cương dương là việc thiếu giao tiếp với nửa kia chứ không phải vấn đề về hiệu suất tình dục. Từ đó vô tình tạo ra trở ngại tâm lý cho các cặp đôi. Giống như Robbie tự cho rằng những mối quan hệ thất bại của anh là do khả năng tình dục kém cỏi. Nhưng lý do thật sự là do anh không cởi mở về vấn đề của mình với người kia và khiến anh luôn tự ti, từ đó đẩy bạn gái ra xa hơn.
Nói về tình dục có thể gây bối rối và khó xử, nhưng bạn cần thẳng thắn chia sẻ để cùng tìm hướng giải quyết hơn là cả đời giả vờ.
Nếu bạn trai của bạn mắc chứng rối loạn cương dương, đừng hoảng sợ. Đừng coi đó là một dấu hiệu cho thấy bạn không đủ hấp dẫn hoặc bạn đang làm gì đó sai. Hãy xem đó là cơ hội để cả hai tìm hiểu rõ nhau hơn và tìm ra hướng điều trị phù hợp.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao gấp 3 lần
Rối loạn cương dương (RLCD) là một rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, là tình trạng dương vật không cương cứng lên được hoặc không đủ cương cứng để thực hiện quá trình giao hợp. Tình trạng này thường phổ biến ở những người đàn ông lớn tuổi, nhưng không ít người trẻ tuổi cũng gặp phải. Báo cáo của Đại học Winsconsin (Mỹ) ghi nhận có 5% nam giới dưới 40 tuổi bị rối loạn cương dương hoàn toàn. Tỷ lệ rối loạn chung của nhóm tuổi này là 40% và tăng lên 50% khi chạm tuổi ngũ tuần.
Thực tế, nam giới mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị RLCD gấp 3 lần so với người không mắc bệnh. Căn bệnh này có thể phá hủy mạch máu và thần kinh giữ vai trò trong sự cương cứng của dương vật.
Nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn cương dương.
Các chị em phụ nữ nếu có chồng mắc chứng bệnh này nên nhẹ nhàng chia sẻ, cảm thông với bạn đời, khuyến khích chồng ăn uống đủ chất, tham gia các hoạt động thể thao, không tạo áp lực cho chồng. Ngoài ra, nam giới có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Đi bộ: Theo một nghiên cứu của Harvard, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày có khả năng giảm 41% nguy cơ đối với RLCD.
- Ăn đúng cách: Trong một nghiên cứu về người cao tuổi ở Massachusetts (Hoa Kỳ), một chế độ ăn nhiều thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và cá, ăn ít thịt đỏ và gia vị, ngũ cốc tinh chế sẽ làm giảm khả năng RLCD.
- Chú ý sức khỏe tim mạch: Khi các chỉ số như huyết áp, đường huyết, cholesterol và triglyceride cao hơn bình thường có thể làm tổn thương thành mạch máu dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và RLCD.
- Tránh béo phì: Nghiên cứu cho thấy, một người đàn ông với vòng eo hơn 100cm có khả năng RLCD cao hơn 50% so với người có vòng eo 80cm. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường - 2 nguyên nhân chính của RLCD.
- Luyện tập cơ vùng chậu: Bài tập Kegel sẽ giúp nam giới cải thiện cơ vùng chậu.
Theo khám phá