Những ngày cuối năm, việc chi tiêu cho dịp Tết sao cho hợp lý lại đảm bảo kinh tế là việc không hề dễ dàng đối với chị em nội trợ, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn, dịch bệnh hoành hành.
Bởi thế mà không ít chị em đã phải đau đầu xây dựng kế hoạch chi tiêu, làm bảng hạch toán các khoản thiết yếu, thậm chí cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết...
Thế nhưng cũng không ít người "chơi lớn" với quan niệm đi làm vất vả cả năm mới có một ngày Tết nên phải tươm tất, xông xênh sẵn sàng chi từ 50 - 70 triệu đồng dành riêng cho các khoản chi tiêu Tết.
Như mới đây trên mạng xã hội cũng chia sẻ một bảng chi tiêu Tết Nguyên Đán với tổng số tiền lên tới hơn 70 triệu đồng khiến nhiều người trầm trồ, kinh ngạc.
Theo đó, bà nội trợ này đã liệt kê 14 mục chi tiết từ việc mua sắm quà Tết, tiền biếu nội ngoại, giỏ quà biếu họ hàng, mua sắm quần áo... Bên cạnh đó, một phần 3 số tiền chi tiêu cho dịp Tết lại dành cho việc mừng tuổi họ hàng và mừng tuổi đồng nghiệp khiến nhiều người tranh cãi.
Cụ thể, trong bảng chi tiêu này, riêng tiền mừng tuổi họ hàng đã hết 15 triệu đồng, mừng tuổi đồng nghiệp 8 triệu đồng. Trong khi một số người nói khoản tiền lì xì Tết như vậy là quá nhiều, thì nhiều người lại cho rằng bảng chi tiêu này chỉ để tham khảo bởi chi tiêu bao nhiêu, chi tiêu thế nào còn tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
Thế nhưng từ đây, vấn đề chi tiêu dịp Tết cũng bỗng nhiên trở thành chủ đề bàn luận của các chị em nội trợ. Nhiều người cho rằng dù 10 triệu, 20 triệu, hay không có tiền thì cũng sẽ có Tết và chị em nội trợ không nên quá đặt nặng vấn đề mua sắm và tự tạo áp lực cho bản thân.
Vất vả cả năm đón Tết phải tươm tất, sung túc
Chị Minh Hải (làm kinh doanh, marketing) cho biết, năm nay dịch bệnh khó khăn nhưng ngành nghề của chị không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng vợ chồng chị cũng đã cân đo lại cho chi tiêu dịp Tết. Theo chị Hải, dịp Tết này hai vợ chồng chị dự định chi tiêu khoảng trên dưới 100 triệu đồng.
"Mình dự định biết ông bà nội ngoại mỗi bên 10 triệu đồng và mua thêm đồ Tết cho ông bà. Vì chồng làm bất động sản nên quà Tết cho đối tác khoảng 30 triệu đồng, tiền lì xì cho họ hàng 15 triệu đồng, tiền hoa và trang trí nhà cửa 5 triệu đồng, mua quần áo Tết cho 2 con trai 5 triệu đồng, còn 25 triệu để dành mua bánh kẹo, đồ ăn dịp Tết".
Chị Hải cho rằng việc tiêu bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. "Nhà mình làm kinh doanh nên việc tiêu pha như vậy đã là đơn giản hết mức có thể rồi. Có thể với một số chị em là nhiều, thậm chí coi là hoang phí nhưng nếu nếu xuề xoà quá thì người ta cũng cười cho thậm chí nghĩ mình ki bo. Những thứ rườm rà mình cũng cắt giảm hết rồi, dư chút nào sẽ để mua quà cho họ hàng ở quê, thêm chút bánh kẹo, bánh chưng cho mọi người", chị Hải cho biết.
Cắt giảm chi tiêu dịp Tết xuống mức tối đa, 5 triệu cũng đã có Tết ấm cúng
Là giáo viên mầm non nhưng vì tình hình dịch bệnh phải nghỉ làm từ nhiều tháng qua, chị Minh (Nam Định) cho biết, năm nay dịch bệnh trường mầm non đóng cửa nên mình phải xin đi bán hàng cho một cửa hàng đồ đông lạnh với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thêm tiền thưởng Tết được 5 triệu đồng là tổng lương 13 triệu đồng. Riêng phần lương thưởng của chồng phải để riêng để trả nợ ngân hàng và đóng bảo hiểm cho con nhỏ.
"13 triệu đồng mình dự định sẽ biếu ông bà nội ngoại mỗi bên 2 triệu đồng để sắm Tết, 1 triệu đồng mua quần áo mới cho con, 2 triệu đồng mua quà Tết biếu họ hàng, 2 triệu đồng cho việc lì xì, còn lại 3 triệu vợ chồng để chi tiêu sinh hoạt trong nhà. Cũng may ông bà nội ngoại có nuôi được gà, cấy lúa nên hai vợ chồng cũng đỡ được một khoản mua sắm Tết này", chị Minh cho biết.
Bà mẹ trẻ này cũng cho biết chi tiêu của năm nay đều được hai vợ chồng cân đo đong đếm rất nhiều và cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết như tất niên, mua sắm áo quần,... do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Hay như chị Nguyên (quê Thạch Thất) cho biết phương châm của Tết năm nay nhà chị là "Tăng xin giảm mua". Do chồng bị gãy chân không thể chạy giao hàng được nên một mình chị vừa chạy chợ, vừa tranh thủ nhận đơn đi giao cho mấy cửa hàng đông lạnh xung quanh với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng để lo cho cả gia đình.
"Dịch bệnh khó khăn, chồng lại bị gãy chân nên năm nay chi tiêu mình phải o ép hết sức có thể. Vì tiền thuê nhà đã hết khoảng 2,5 triệu đồng nên Tết năm nay mình chủ động xin ông bà nội ngoại và anh em trong nhà mỗi người một chút đồ để tiết kiệm người cái giò, người đôi bánh chưng, người con gà...".
Tuy nhiên, theo chị Nguyên dù đã siêu tiết kiệm nhưng Tết này nhà chị vẫn phải chi tiêu hết khoảng 5-7 triệu đồng cho các khoản quà Tết, biếu ông và hay để lì xì.
"Cái chính là tình cảm gia đình, anh em con cháu sum họp ngày Tết còn tiêu nhiều hay tiêu ít là do điều kiện của từng nhà. Năm nay dịch bệnh mình cắt giảm chi tiêu đến mức tối đa. Ví như nhà người ta có điều kiện mua cành đào 2 triệu, nhà mình chỉ mua cành đào nhỏ 100 nghìn đồng, đáng ra mua cho con 2 bộ quần áo thì năm nay mình chỉ mua 1 bộ, đồ ăn Tết cũng tiết kiệm hơn chỉ khoảng 1 triệu đồng để tránh lãng phí".
Không chỉ chị Nguyên, mà cô Phương (Thạch Thất) cũng cho rằng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nên phải chọn cách chi tiêu hợp lý nhất để Tết vẫn đủ, vẫn đầy, vẫn vui mà không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình.
"5 triệu cũng xong Tết, 50 triệu cũng là Tết... Dịch bệnh, công việc không đều nên tôi dự định chi 5 triệu cho tất cả các khoản chi tiêu Tết năm nay bao gồm cả việc sắm sửa đồ trang trí nhà cửa, mua thực phẩm dự trữ, quà biếu hai bên nội ngoại và tiền lì xì trẻ con, người lớn tuổi...".
Theo cô Phương, so với mọi năm mức chi tiêu cho dịp Tết năm nay của gia đình cô đã giảm 1 nửa để phù hợp với điều kiện của gia đình. Cô cũng đã lên danh sách các món cần thiết phải mua và mức tiền tương ứng để kiểm soát được chi tiêu.
Trong khi nhiều chị em trẻ tuổi đang kêu than mất tới mấy chục triệu đồng mới lo đủ cái Tết thì bạn vẫn có thể yên tâm cả gia đình có một cái Tết ấm no, tươm tất, không thừa cũng chẳng thiếu gì với số tiền chỉ 5-6 triệu đồng.
Theo Pháp luật & Bạn đọc