Đảm nhận vai Tư Mắm trong phim điện ảnh Đất rừng phương Nam, Băng Di gặp không ít áp lực vì ở phiên bản cũ Đất phương Nam, Cát Phượng đã đóng vai này quá tốt. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả cho rằng Băng Di tuy có xinh đẹp, trẻ trung nhưng không đủ chiều sâu để đóng lại vai của Cát Phượng.
Nói về việc hóa thân thành Tư Mắm, Băng Di bày tỏ cô khá áp lực, căng thẳng. Thêm nữa, Băng Di cũng cho rằng để đóng vai Tư Mắm, cô đã phải học thêm diễn xuất để có những thể hiện khác với các vai diễn trước đây của mình.
Băng Di biết chuyện khán giả so sánh cô với Cát Phượng nên chỉ biết cố gắng hoàn thành tốt các cảnh quay. Nữ diễn viên kỳ vọng khán giả sẽ đón nhận vai diễn của cô bằng phản hồi tích cực.
Băng Di trong tạo hình Tư Mắm
Nữ diễn viên cũng thật thà chia sẻ cô bị "cố vấn diễn xuất" Trấn Thành mắng trên phim trường rất nhiều: "Ra tới phim trường anh Trấn Thành vẫn chửi. Nhưng nhờ đó, mình thấy là mình phải chịu nghe chửi chút xíu để mình có thể khai thác lối diễn xuất mới. Vai diễn Tư Mắm lần này, hi vọng mọi người sẽ thấy được cách diễn phản diện khác hẳn của Băng Di".
Trong nguyên tác Đất phương Nam, Tư Mắm là nhân vật phản diện bị ghét bậc nhất. Bề ngoài, Tư Mắm lúc nào cũng nói cười giả lả, bà ta cố gắng tiếp cận An để moi móc thông tin nhưng bất thành. Nhân vật Tư Mắm là người góp phần gây nên bi kịch cho các nhân vật khác của Đất phương Nam.
Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn. Nội dung phim là hành trình đi tìm cha nhiều cảm xúc của bé An.
Băng Di chịu nhiều áp lực vì khán giả cho rằng cô diễn không tốt bằng Cát Phượng.
Băng Di có khá nhiều tạo hình đẹp mắt trong phim.
Sau khi chia tay thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn), An (Hạo Khang) và mẹ (Hồng Ánh) bắt đầu hành trình xuôi về phương Nam để tìm cha. An mất mẹ khi bị kẹt giữa đoàn biểu tình, An được Út Lục Lâm (Tuấn Trần) cưu mang, chăm sóc và dạy cậu các ngón nghề để mưu sinh tự lập.
Biến cố ập đến, An lạc mất Út Lục Lâm và một mình trên hành trình tìm cha khó khăn. Cuộc phiêu lưu của An đi qua Nam kỳ lục tỉnh với thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và gặp gỡ những con người ấm áp với tình yêu quê hương trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đó là Trấn Thành (Bác Ba Phi), cha con ông Tiều (Tiến Luật), bé Xinh (Bảo Ngọc), ông Ba bắt rắn (Công Ninh), thằng Cò (Đỗ Kỳ Phong), Tư Ù (Tuyền Mập)...
Liệu hành trình của An sẽ đưa khán giả cùng đồng hành trong những câu chuyện gì để thấu hiểu hơn vùng đất hào sảng nghĩa tình trong áng văn huyền thoại của "thi sĩ phương Nam" Đoàn Giỏi?
Theo Phụ Nữ Việt Nam