Bằng giả gây chấn động ngành y

Bộ Y tế vừa gửi công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa báo cáo việc sử dụng bằng chuyên môn giả của nhiều cán bộ ngành y

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa vừa thanh, kiểm tra; phát hiện hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế sử dụng bằng chuyên môn giả. Trong số này có nhiều người trực tiếp thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân.
 
Mua bằng giả, tẩy xóa thông tin

 

Cuối năm 2014, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát bằng cấp của tất cả cán bộ, người lao động trong toàn tỉnh. Kết quả, có 18 trường hợp sử dụng bằng giả, 2 trường hợp sửa bằng. Về trình độ chuyên môn, có 3 bằng cao đẳng điều dưỡng, 1 bằng trung học điều dưỡng, 4 bằng dược sĩ trung học, 7 bằng y sĩ, 1 bằng kỹ thuật viên xét nghiệm trung học, 2 bằng về tin học giả...
 
Điều đáng nói, một số bác sĩ làm việc ở bệnh viện (BV) tỉnh và nhiều trường hợp thâm niên hàng chục năm sử dụng bằng giả nhưng không bị phát hiện. Đơn cử như ông Lê Văn Lệ (SN 1958, nguyên trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn). Trước khi bị phát hiện sử dụng bằng cấp bị tẩy xóa, ông Lệ làm trạm trưởng suốt 20 năm.
 
Một cán bộ Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn cho hay sau khi có kết luận ông Lệ sử dụng bằng cấp không đúng, ông này giải trình đã học trong Quân y và được cấp bằng. “Chúng tôi đã cho anh Lệ ra đơn vị để đối chiếu lại bằng cấp nhưng anh Lệ không chứng minh được nên chúng tôi ra quyết định buộc thôi việc” - cán bộ này nói.
 
Trong số những cán bộ, người lao động lâu năm dùng bằng chuyên môn giả còn có bà Thái Thị Phượng (SN 1964, công tác tại Trạm Y tế xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Bùi Thị Xuân (SN 1960, công tác Trạm Y tế xã Lương Nội, huyện Bá Thước), ông Lê Xuân Thướng (SN 1965, làm ở BV Đa khoa huyện Quan Sơn)... Dù có bằng chuyên môn giả là y sĩ nhưng các cán bộ trên đều trực tiếp thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân.
 
Với tấm bằng giả này, bà Thúy đã bán thuốc 8 năm tại
BV Nội tiết tỉnh Thanh Hóa
 
Với tấm bằng dược sĩ trung học giả do Trường Trung học Y tế Hà Nội cấp, bà Lê Thị Thúy (SN 1986, ngụ xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa) đã làm việc tại Khoa Dược vật tư thiết bị y tế - BV Nội tiết tỉnh Thanh Hóa 8 năm nay, hằng ngày cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Do dùng bằng giả, bà Thúy bị cơ quan đuổi việc nhưng sau đó lại được  chính ông Lê Minh Sứ - nguyên giám đốc BV, người ký đuổi việc bà - tiếp tục ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm ở Khoa Khám bệnh với chức danh hộ lý.
 
Chị Cao Thị Vân (SN 1991, đang làm việc tại BV Đa khoa huyện Đông Sơn) thừa nhận đã dùng bằng giả. Sau khi học xong trung cấp y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến (Thanh Hóa), chị Vân nộp đơn theo học Trường CĐ Y tế Phú Thọ nhưng học được vài tháng thì có bầu nên không đi học nữa.
 
“Bác em nói để bác lo cho, rồi bác ra ngoài trường mua bằng cho em. Em cũng không biết bác làm cách nào. Giờ em thấy ân hận lắm rồi! Em cũng có chuyên môn về nghề chứ không phải không biết. Nếu biết như thế này thì em chỉ nộp bằng trung cấp khi xin việc” - chị Vân tâm sự.
 
Về trường hợp này, ông Mai Đình Thọ, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, BV Đa khoa huyện Đông Sơn, cho hay chưa đuổi việc chị Vân vì chị đang mang thai. “Theo luật lao động, trong thời gian cán bộ nữ có bầu và nuôi con nhỏ thì không được sa thải. Khi nào nuôi con nhỏ đủ 12 tháng, chúng tôi sẽ tiến hành họp và cho chị Vân thôi việc. Hiện chị Vân được điều chuyển sang khoa khác làm công việc phổ thông, không cho làm chuyên môn chăm sóc bệnh nhân nữa” - ông Thọ khẳng định.
 
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hải cũng dùng bằng dược sĩ trung học giả và bị BV Đa khoa huyện Quảng Xương sa thải. Chị Hải giải trình với cơ quan có học dược sĩ của một trường ở Hải Dương, trường này nói không cần học cũng có bằng (?!). Ngoài ra, Hoàng Đình Kiên (hợp đồng thử việc ở BV Đa khoa huyện Thiệu Hóa) giải trình có học ở Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến nhưng chưa lấy được bằng nên đã mua bằng cao đẳng điều dưỡng ở Phú Thọ.
 
Theo ông Lê Đăng Khoa - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - BV đã chấm dứt hợp đồng lao động 1 năm đối với Vũ Đình Sáng (SN 1984, điều dưỡng viên) sau vụ phát hiện bằng giả.
 
Sai sót nghiêm trọng
 

Chiều 15-1, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã yêu cầu sở Y tế làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trên quan điểm sai đến đâu, xử lý nghiêm, dứt điểm đến đấy.
 
“UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế và cơ quan công an nhanh chóng làm rõ sai phạm này có liên quan gì đến việc tiêu cực hay không, xác định rõ nguồn gốc của các loại bằng này. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân, đơn vị biết người lao động sử dụng bằng giả mà vẫn bao che thì xử lý nghiêm” - ông Quyền khẳng định.
 
Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo Bộ Y tế nhận định đây là vụ bằng giả lớn nhất trong ngành y được phát hiện. Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết tới đây, một tổ công tác của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ sẽ đến Thanh Hóa kiểm tra, yêu cầu rà soát kỹ vấn đề này.
 
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết đã gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa báo cáo tình trạng sử dụng bằng giả. Bộ Y tế đề nghị sở thực hiện kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định, không để ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cho ý kiến chỉ đạo và báo cáo Sở Y tế.
 
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế, thực hiện đúng công tác quản lý hồ sơ theo quy định. Cũng theo ông Tác, hành vi sử dụng bằng giả cần xử lý nghiêm, nhất là với những bằng cấp liên quan đến lĩnh vực chuyên môn về khám chữa bệnh bởi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
 
Theo một nguồn tin khác từ Bộ Y tế, ngành y tế từng phát hiện trường hợp không có bằng nhưng vẫn làm công tác chuyên môn trong nhiều năm tại cơ sở y tế mà không bị phát hiện. Trước đó, người này được đào tạo chuyên môn về y khoa nhưng lại chưa được cấp bằng sau khi kết thúc khóa học.
 
Bắt 10 đối tượng làm bằng giả

 
Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP HCM cho biết vừa khám phá đường dây làm bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Phạm Đăng Thành (SN 1990, quê Quảng Ngãi) cầm đầu. Ngoài ra, công an còn tạm giữ hình sự 9 đối tượng khác. Thành khai cầm đầu băng làm bằng giả từ tháng 2-2014 qua việc đăng thông tin trên facebook kèm theo số điện thoại để khách hàng liên hệ. Giá làm bằng ĐH từ 5-9 triệu đồng; bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ 7-9 triệu đồng. Băng này đã bán được từ 500-600 bằng giả các loại.Ph.Dũng
 
 
Theo Người lao động

Tin tức mới nhất