Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, vào tối 7/5, bệnh nhân nữ (24 tuổi, ở Thái Bình) chiết sữa rửa mặt vào túi bóng và mang theo meso, dụng cụ tiêm đến một cơ sở spa ở gần nhà nhờ tiêm meso với mục đích làm đẹp, giúp da căng bóng.
Trong quá trình tiêm, bệnh nhân thấy đau buốt, meso không tan ra như mọi lần mà thấy da mặt cứng nên yêu cầu dừng tiêm. Lúc này bệnh nhân mới phát hiện meso mình mang theo vẫn ở trong túi, còn dung dịch được sử dụng để tiêm vào dưới da mặt là sữa rửa mặt bệnh nhân mang theo.
Bệnh nhân hoảng sợ, đến ngay bệnh viện địa phương để thăm khám, sau đó được chuyển lên BV Bạch Mai để tiếp tục thăm khám và điều trị.
Nữ bệnh nhân bị tiêm nhầm sữa rửa mặt vào da - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống
Tại BV Bạch Mai bệnh nhân có biểu hiện đau nhức nhiều vùng mặt, gò má phải sưng nhiều, có khối cứng dưới da, dưới mi mắt dưới phải có vùng thâm đen, trán có nhiều điểm sưng tại mũi kim tiêm, bầm tím không đều.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, tình trạng của nữ bệnh nhân hiện đã được cải thiện, bớt sưng sau khi điều trị tại Trụng tâm chống độc.
Chuyên gia chống độc cũng cho biết, nữ bệnh nhân nói trên được tiêm tại một cơ sở spa, đây là cơ sở làm đẹp thông thường, không phải là phòng khám. Chính vì vậy việc chủ spa tiêm cho bệnh nhân là một việc làm vi phạm pháp luật. Hành động này rất nguy hiểm vì sẽ làm hưởng trực tiếp đến sức khỏe của khách hàng.
Theo thông tin từ báo Lao Động, đưa ra khuyến cáo dành cho người có nhu cầu tiêm filler làm đẹp, bác sĩ Xuân Thảo - Khoa Mắt Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, người dân nên lựa chọn những cơ sở, bệnh viện uy tín, được các bác sĩ có kinh nghiệm chỉ định phù hợp.
Hiện nay, chất filler rất đa dạng, nên chất lượng filler khó kiểm chứng khi tiêm vào người. Đồng thời, việc cấp chứng nhận tiêm chất filler các cơ sở làm đẹp là rất thấp, chỉ có những cơ sở uy tín nhập được chất filler làm đầy có chất lượng mới đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân 17 tuổi bị mất thị lực mắt trái sau tiêm filler - Ảnh: Báo Lao Động
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, số ca tai biến thẩm mỹ tăng dần mỗi năm. Trong năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 608 trường hợp bị tai biến sau thẩm mỹ.
Thống kê tại bệnh viện cho thấy, có gần 78% trường hợp người thực hiện gây ra tai biến không phải là bác sĩ, hơn 15% bệnh nhân không nhận định được người thực hiện thủ thuật có phải là bác sĩ hay không, khoảng 6% các ca tai biến do bác sĩ gây ra. Ngoài ra, các ca tai biến còn do sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm định,...
Các bác sĩ cũng khuyến cáo phải tìm hiểu kĩ cơ sở trước khi thực hiện. Đồng thời, trao đổi với bác sĩ và tìm hiểu về các phương pháp làm đẹp, tránh rủi ro.
Theo Gia Đình Việt Nam