Khoảng 11h30 ngày 19/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam bị đa chấn thương, sức khỏe nguy kịch. Khi biết bệnh nhân tử vong, người đưa đi cấp cứu đã bỏ chạy.
Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, nạn nhân Nguyễn Văn Minh (19 tuổi, quê Bắc Giang) là nhân viên Công ty Tài chính Nam Long, có địa chỉ tại TP.HCM. Anh này làm việc cho chi nhánh ở tỉnh Bắc Kạn, có nhiệm vụ thu hồi nợ.
Sau đó, cơ quan điều tra phát hiện Công ty Tài chính Nam Long thực chất là băng nhóm tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy công ty này không đăng ký kinh doanh.
Công an Thanh Hóa xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen và có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rộng, quan hệ phức tạp, núp bóng doanh nghiệp, có nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi. Sau đó, Công an Thanh Hoá đã báo cáo Bộ Công an xác lập chuyên án để triệt xóa.
Tới ngày 29/11, cơ quan này cũng đã có thông tin về kết quả điều tra ban đầu chuyên án triệt xóa tổ chức tín dụng đen được cho là lớn nhất cả nước từ trước đến nay.
Sau 4 tháng điều tra, Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích, Giữ người trái pháp luật, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khởi tố 9 bị can cầm đầu, trong đó có Nguyễn Đức Thành (giám đốc công ty Nam Long).
7 bị can đang bị tạm giam 4 tháng, hai trường hợp còn lại là Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi) và Trần Hồng Phong (33 tuổi, cùng trú TP.HCM) đang bị truy nã.
Hình ảnh anh Minh bị tra tấn, đánh đập. Ảnh: Công an cung cấp.
Đánh chết nhân viên
Trước khi tử vong, Minh có thu tiền của khách nhưng không nộp về cho chi nhánh. Minh còn cầm cố 1 chiếc xe máy lấy 20 triệu đồng tiêu xài rồi bỏ trốn.
Sau đó, Nguyễn Đức Thành đã chỉ đạo đàn em đến nhà Minh để đòi tiền. Đến ngày 9/7, Minh bị nhóm này bắt tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đánh hội đồng và đưa về trụ sở cùng thành phố tổ chức “họp kỷ luật”.
Nhóm này yêu cầu Minh đi xin lỗi những người trong công ty, xin chữ ký từng người cho ở lại hoặc đưa ra pháp luật. Họ đưa ra một bát cơm và một bát chất thải bẩn, bắt Minh chọn 10 lần. Mỗi lần nếu nạn nhân bò đến bát cơm thì bị hành hạ, đánh đập.
Ngày 10/7, Minh được đưa về Thanh Hóa. Do bị đánh quá nhiều, nạn nhân bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu và tử vong sau đó.
Băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.
Những thủ đoạn của Nam Long
Công ty Tài chính Nam Long có đội ngũ cầm đầu là những thanh niên tốt nghiệp đại học các ngành Luật, Kinh tế, tài chính ngân hàng nên hoạt động rất chuyên nghiệp, bài bản.
Thời điểm bị phát hiện, tổ chức này đã có 26 chi nhánh trên cả nước, ở 63 tỉnh. Mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh do một người quản lý.
Tổ chức này đã lừa hàng trăm khách hàng ký vào những bản hợp đồng vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Thống kê sơ bộ 23/70 tài khoản ngân hàng Công ty Nam Long cho thấy số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng.
Nguyễn Đức Thành - nghi phạm cầm đầu tổ chức tín dụng đen Nam Long - tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.
Với hình thức vay trả góp kỳ hạn 41 ngày hoặc 51 ngày, mức lãi suất có thể lên đến từ 172 đến 205% mỗi năm. Trường hợp nạn nhân vay nóng ngắn ngày phải chịu mức "lãi đứng" từ 15 đến 30%/ngày, tương đương với 1043 %/năm.
Khi đã đồng ý vay, khách hàng còn phải chi trả thêm nhiều khoản khác. Khách hàng chậm trả nợ sẽ bị đe dọa, hành hung, thậm chí là cưỡng chế thu hồi nợ bằng tài sản, vật nuôi có giá trị gấp nhiều lần số tiền còn thiếu.
Với nhân viên, tổ chức này lập hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc như phạt 50-100 triệu đồng nếu phá hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.
Quy chế kỷ luật này là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Minh. Hành vi này được kẻ cầm đầu cho rằng đó là “cách dạy dỗ làm người”.
Theo Zing