Bánh trứng kiến là món ăn truyền thống từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Tày sinh sống ở các khu vực vùng núi phía Đông Bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn,... Đặc biệt, trong dịp Tết Thanh minh, đây cũng là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của người địa phương để dâng cúng tổ tiên.

Đúng như tên gọi, bánh có phần vỏ làm từ bột nếp nương và nhân là trứng kiến xào cùng một số gia vị. Chính bởi làm từ nguyên liệu chính là trứng kiến nên món bánh này chỉ có vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm (mùa kiến đen rừng bắt đầu đẻ trứng).

Bánh trứng kiến nổ bôm bốp lạ miệng, khách săn lùng vì chỉ có dịp cuối xuân-1
Bánh trứng kiến là đặc sản nổi tiếng ở các tỉnh như Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn (Ảnh: Bùi Thúy Hằng).

Vào thời điểm này, người Tày ở vùng núi cao phía Bắc lại vào rừng lấy trứng kiến. Quá trình thu hoạch một tổ kiến tốn khoảng 30 phút. Họ phải đi vào các khu rừng sâu, chừng 6-7 tiếng cả đi và về.

Loài kiến đen thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa, găng, xoan nên quá trình thu hoạch trứng kiến đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Muốn lấy được trứng của chúng, người ta phải chọn ngày khô ráo, có nắng để trứng không bị dính bùn đất và kiến cũng không bị bết vào trứng.

Đồng thời, các thao tác phải thật nhanh để không bị kiến bâu và nhựa kiến dính lên người.

Bánh trứng kiến nổ bôm bốp lạ miệng, khách săn lùng vì chỉ có dịp cuối xuân-2
Trứng kiến đen rừng có kích thước nhỏ bằng hạt gạo, màu trắng, mẩy (Ảnh: Đoàn Phương).

Sau khi lấy được trứng kiến, bà con bắt đầu thực hiện các công đoạn như xay bột gạo nếp làm vỏ bánh, rửa sạch trứng kiến, trộn gia vị,… Trứng kiến nếu làm bánh không hết thường được trữ đông trong tủ lạnh, bảo quản trong khoảng 3 tháng.

Để bánh đạt chất lượng và chuẩn vị, người ta phải chọn loại nếp nương ngon, có độ dẻo và thơm. Đem bột đi nhào mềm rồi cán mỏng. Còn phần nhân gồm trứng kiến sơ chế sạch, xào qua cùng thịt lợn băm và hành khô. 

Bánh trứng kiến nổ bôm bốp lạ miệng, khách săn lùng vì chỉ có dịp cuối xuân-3
Quy trình làm bánh trứng kiến khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ (Ảnh: Mít Mộng Mơ).

Cho nhân vào giữa phần bột bánh đã cán mỏng và vo tròn thành từng viên vừa ăn. Sau đó đặt bánh vào lớp lá vả đã rửa sạch, để ráo nước. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của người làm và cần tới 2-3 lớp lá.

Lớp trong cùng là lá non mềm, ăn có vị bùi, không chát, còn lớp ngoài là lá già hơn để cố định bánh, giúp bánh không bị vỡ hay méo mó sau khi hấp chín.

Bánh được gói bằng lá vả sao cho vuông vức rồi đem hấp khoảng 30-45 phút là có thể thưởng thức. Bánh trứng kiến khi chín có màu ngả vàng, dậy mùi thơm hấp dẫn.

Bánh trứng kiến nổ bôm bốp lạ miệng, khách săn lùng vì chỉ có dịp cuối xuân-4
Bánh ngon nhất khi ăn nóng, dậy mùi thơm của lá vả và nếp nương, hòa cùng vị bùi, béo ngậy của thịt và trứng kiến (Ảnh: Đoàn Phương).

Khi thưởng thức, người ta chỉ cần lột lớp lá già bên ngoài, giữ lớp lá non bên trong rồi cắn ngập một miếng bánh có đủ lá vả, vỏ nếp và nhân trứng kiến. 

Những người lần đầu thưởng thức bánh trứng kiến đen không khỏi dè chừng trước thức quà đặc sản dân dã của người Tày ở vùng Đông Bắc. Còn nếu đã ăn quen, thực khách sẽ mê mẩn hương vị lạ miệng của nguyên liệu độc đáo này và thích thú với âm thanh “nổ bôm bốp” trong khoang miệng khi cắn phần nhân ngập trứng kiến.

Bánh trứng kiến nổ bôm bốp lạ miệng, khách săn lùng vì chỉ có dịp cuối xuân-5
Hiện bánh trứng kiến có mặt ở nhiều nơi nhưng không phải lúc nào thực khách cũng có thể thưởng thức (Ảnh: Cẩm Hiên).

Tuy nhiên, những thực khách bị dị ứng với các món ăn có côn trùng cần cân nhắc, không nên thử món bánh này.

Theo Vietnamnet