Cây bút Nidhi Kadere của trang du lịch Outlook Traveller (Anh) nhận định Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với di sản văn hóa phong phú, cảnh sắc tuyệt vời cùng nền ẩm thực đường phố sôi động.
Khách nước ngoài nghỉ dưỡng tại một resort nổi tiếng ở Vũng Tàu (Ảnh: Lluvly).
Khách quốc tế tới đây có nhiều trải nghiệm, từ khám phá những thành phố sôi động như Hà Nội, TPHCM cho tới thư giãn trên bãi biển hoang sơ ở Phú Quốc.
"Dù du lịch ở Việt Nam chắc chắn sẽ tràn ngập nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, nhưng cần nhận thức rằng có những chiêu trò gian lận tiềm ẩn hoặc nạn chặt chém lừa đảo có thể làm hoen ố trải nghiệm của bạn", nữ phóng viên Kadere cảnh báo.
Từ kinh nghiệm của bản thân, cô đã đưa ra một số lời khuyên với du khách nhằm tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc không nên có.
Tránh trở thành nạn nhân của những vụ cướp giật
2
Khách Tây tự thuê xe máy khám phá cung đường Hà Giang (Ảnh: Eadaoinfitzmaurice).
Nhiều khách quốc tế sang Việt Nam có thói quen thuê xe máy để di chuyển cho thuận tiện với lịch trình cá nhân. Tuy nhiên, Kadere cho rằng, để tránh trở thành nạn nhân của những vụ cướp giật, mỗi người nên dùng túi có móc cài hoặc dây đeo chắc chắn, không ngồi quá gần đường.
Ngoài ra, du khách cũng không nên cầm điện thoại hay ví tiền trong tay khi đang đi bộ trên vỉa hè.
Cẩn thận mua nhầm hàng giả, hàng nhái
Một số điểm du lịch như Hội An hay TPHCM có nhiều cửa hàng bán sản phẩm da. Tuy nhiên, cây bút của Outlook Traveller phát hiện ra một số cửa hàng bán những món đồ bằng nhựa giả da với chất lượng kém.
Để tránh điều này, du khách nên kiểm tra sản phẩm cẩn thận, xem đường khâu ra sao, mùi da, kết cấu và màu sắc món đồ.
Một cửa hàng bán đồ da ở Hội An (Ảnh: Shutterstock).
Nếu nghi ngờ là hàng giả, khách có thể kiểm tra bằng cách đặt sản phẩm lên một miếng kim loại rồi dùng bật lửa hơ nóng. Trong trường hợp sản phẩm bị biến dạng, đó là hàng giả.
Thống nhất đơn vị tiền tệ
Một số khách nước ngoài bị rơi vào tình huống khi mua hàng được người bán báo giá tiền là ngoại tệ, nhưng hiểu lầm là giá tiền địa phương.
Để tránh trường hợp này, tốt nhất du khách cần thống nhất ngay từ đầu mệnh giá tiền trước khi mua hàng, hỏi xác nhận chắc chắn số tiền để tránh bị nhầm. Du khách có thể nhận những tờ tiền có mệnh giá nhỏ để tránh nạn tiền giả.
Cẩn thận khi thuê xe máy
Lúc thuê xe máy, du khách nên chọn những cửa hàng có dịch vụ và hợp đồng rõ ràng. Trước khi đặt cọc, khách cần kiểm tra tình trạng xe, phát hiện chỗ hỏng và báo với cửa hàng để tránh mất tiền oan.
Ngoài ra, khi tham gia giao thông ở Việt Nam, du khách cần đội mũ bảo hiểm, lái xe với tốc độ vừa phải theo quy định. Nếu muốn đi xe ô tô, nên chọn đặt các hãng xe công nghệ để tránh bị chặt chém.
Cẩn thận với những hàng rong, bán trái cây dạo
Một xe hoa bán rong ở Hà Nội (Ảnh: Saubayfood).
Kadere cảnh báo du khách đến Việt Nam có thể bắt gặp những người bán hàng rong thân thiện. Họ tiếp cận và mời khách mua trái cây hoặc gánh thử sọt hàng để chụp ảnh.
Tuy nhiên, có những trường hợp khách đồng ý và bị yêu cầu phải trả số tiền "cắt cổ". Để tránh điều này, hãy lịch sự từ chối. Nếu muốn mua thứ gì đó, hãy hỏi giá và trả giá. Khách chỉ nên thanh toán sau khi nhận được hàng.
Giả mạo địa chỉ để lừa đảo
Nhiều khách sạn, nhà hàng hay công ty du lịch lớn ở Việt Nam thường xuyên bị mạo danh để lừa đảo. Những công ty mạo danh này vẫn cung cấp dịch vụ cho khách nhưng chất lượng thấp và mức giá không tốt.
Để tránh trường hợp này, du khách nên kiểm tra kỹ địa điểm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể đọc bài đánh giá trên những trang tư vấn uy tín.
Nạn hét giá khi đi xe taxi
Khi du lịch ở Việt Nam, một trong những điều cần nhớ là thận trọng khi dùng dịch vụ taxi. Nữ phóng viên cũng liệt kê 2 hãng taxi lớn và uy tín để khách sử dụng. Một số hãng taxi khác có thể dùng cách phối màu khá giống với hai hãng này khiến khách bị nhầm.
Ngoài ra, khi đi taxi luôn để ý đồng hồ tính tiền xem có bị nhảy số quá nhanh hay không. Một số tài xế có thể đòi tiền típ, nhưng du khách chỉ cần trả đúng số tiền hiện trên đồng hồ.
Theo Dân Trí